Có thể hiểu một cách đơn giản về chuyển đổi số như sau:
“Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của các cá nhân và tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất trên môi trường số với các công nghệ số”.
Và theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng:
“Chuyển đổi số đơn giản là chuyển đổi hoạt động của chính quyền, của nền kinh tế và của xã hội lên môi trường số.”
Có thể thấy trong định nghĩa trên ba ý cơ bản của chuyển đổi số:
- Chuyển đổi số là một quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện.
- Chuyển đổi số là quá trình thay đổi về cách sống (thường về cá nhân con người), cách làm việc và phương thức sản xuất (thường về các tổ chức và doanh nghiệp) để thích ứng với môi trường số.
- Sự thay đổi trong chuyển đổi số dựa vào các công nghệ số.
Khi thực hiện được chuyển đổi số, chính quyền sẽ nâng cao được hiệu quả, hiệu lực; nền kinh tế sẽ nâng cao được năng lực cạnh tranh; xã hội sẽ thu hẹp được khoảng cách số, nhân văn và tốt đẹp hơn.
Mối quan hệ giữa Chuyển đổi số và CMCN lần thứ tư
Nếu như CMCN lần thứ tư được cho là bắt đầu từ vài năm qua khi có đột phá của các công nghệ số, thì chuyển đổi số đã được nói đến từ những năm cuối thế kỷ trước. Chúng ta đã bắt đầu tin học hóa các quy trình hoạt động cách đây gần 30 năm và đã triển khai các hoạt động số trong các tổ chức của mình.
Ở bài số 1, ta đã thấy đặc trưng bản chất của CMCN lần thứ tư là thông minh hoá. Từ các phân tích kỹ lưỡng, nhóm Think Tank của VINASA (Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm và nội dung số Việt nam) đã chỉ ra chuyển đổi số là cốt lõi của cuộc CMCN lần thứ tư. Việc thông minh hoá được thực hiện chủ yếu nhờ sử dụng dữ liệu với các công nghệ số, tiêu biểu là Trí tuệ Nhân tạo (AI). Từ đây, ta đưa ra hai luận điểm cơ bản về các mối quan hệ này, làm cơ sở cho các vấn đề cơ bản về chuyển đổi số tiếp theo:
- Chuyển đổi số là cốt lõi của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
- AI là công nghệ số then chốt để thực hiện chuyển đổi số.