Đóng góp ý kiến các dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia về Mô hình thông tin công trình (BIM)

Ngày 3/11, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức Hội thảo Đóng góp ý kiến các dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia về Mô hình thông tin công trình (BIM) theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Đóng góp ý kiến các dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia về Mô hình thông tin công trình (BIM)
Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường Lê Minh Long phát biểu tại Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có các nhà quản lý, chuyên gia các viện nghiên cứu, hội, hiệp hội chuyên ngành, trường đại học và đại diện các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng trên toàn quốc. Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường Lê Minh Long chủ trì Hội thảo.

Các dự thảo Tiêu chuẩn được tổ chức lấy ý kiến bao gồm: TCVN “Công trình xây dựng – Tổ chức thông tin trong công trình xây dựng. Phần 2: Khung phân loại”; TCVN “Tổ chức và số hóa thông tin về nhà và công trình dân dụng, bao gồm BIM – Quản lý thông tin sử dụng mô hình hóa thông tin công trình – Phần 1: Khái niệm và nguyên tắc”; TCVN “Tổ chức và số hóa thông tin về nhà và công trình dân dụng, bao gồm BIM – Quản lý thông tin sử dụng mô hình hóa thông tin công trình – Phần 2: Phân phối thông tin trong các giai đoạn của dự án”.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường Lê Minh Long cho biết: Thực hiện Đề án Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng (Quyết định 198/2018/QĐ-TTg ngày 9/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ), Bộ Xây dựng đã tích cực triển khai và hoàn thành định hướng biên soạn Hệ thống Tiêu chuẩn quốc gia đến năm 2030 của ngành Xây dựng và đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó có các Tiêu chuẩn quốc gia về BIM.

Trải qua quá trình nghiên cứu, học hỏi và đúc rút kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là ở các quốc gia tiên tiến trên thế giới, Bộ Xây dựng nhận thấy hiện nay châu Âu (kể cả Vương quốc Anh) cũng áp dụng (có điều chỉnh phù hợp từng quốc gia) các tiêu chuẩn ISO về BIM. Bộ Xây dựng đã giao Viện Kinh tế xây dựng và Tổng Công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam – CTCP (VNCC) biên soạn 3 tiêu chuẩn trên. Đây là những tiêu chuẩn cốt lõi mang tính nguyên tắc.

Hệ thống tiêu chuẩn về BIM gồm nhiều tiêu chuẩn. Yêu cầu đặt ra khi biên soạn cần đảm bảo tính đồng bộ và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Bộ Xây dựng tổ chức hội thảo lần này để lấy các ý kiến đóng góp của các các quan quản lý, đại diện các tổ chức, doanh nghiệp, các chuyên gia trong quá trình hoàn thiện các dự thảo TCVN…

Đề cập đến các dự thảo Tiêu chuẩn, đại diện Viện Kinh tế xây dựng cho biết: Dự thảo TCVN “Công trình xây dựng – Tổ chức thông tin trong công trình xây dựng” tương đương với ISO 12006-2:2015 và đề xuất danh sách các bảng phân loại cho các lớp đối tượng thông tin theo cách cụ thể như hình dáng hoặc chức năng, được bổ sung bởi các định nghĩa. Tiêu chuẩn này thể hiện cách các lớp đối tượng được phân loại trong mỗi bảng liên quan đến nhau, như một chuỗi các hệ thống hoặc hệ thống con, ví dụ một mô hình thông tin công trình.

Dự thảo tiêu chuẩn này không đưa ra một hệ thống phân loại đầy đủ có thể sử dụng ngay, cũng không đưa ra nội dung các bảng phân loại, mà chỉ đưa ra các ví dụ. Tiêu chuẩn phục vụ xây dựng và công bố các hệ thống và bảng phân loại chi tiết phù hợp với nhu cầu thực tế.

Tuy nhiên, nếu tiêu chuẩn này được áp dụng để xây dựng hệ thống các bảng phân loại, cần đảm bảo sự hài hòa giữa các hệ thống và bảng phân loại đó. Tiêu chuẩn này áp dụng trong toàn bộ vòng đời của các công trình xây dựng bao gồm từ bước xác định chủ trương đầu tư, thiết kế, xây dựng, vận hành bảo trì, phá dỡ công trình và áp dụng cho tất cả các loại công trình.

Về dự thảo TCVN “Tổ chức và số hóa thông tin về nhà và công trình dân dụng, bao gồm BIM – Quản lý thông tin sử dụng mô hình hóa thông tin công trình – Phần 1: Khái niệm và nguyên tắc”, đại diện VNCC cho biết, tiêu chuẩn này được xây dựng dựa trên cơ sở tham khảo ISO 19650-1:2018, đưa ra các khái niệm và nguyên tắc được khuyến nghị cho các quá trình kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng nhằm hỗ trợ việc quản lý và tạo lập thông tin trong vòng đời của tài sản xây dựng khi sử dụng BIM…

Dự thảo tiêu chuẩn này dành cho người tham gia cung cấp, thiết kế, xây dựng hoặc vận hành thử các tài sản được xây dựng, thực hiện các hoạt động quản lý tài sản, bao gồm cả vận hành và bảo trì. Tiêu chuẩn này áp dụng trong toàn bộ vòng đời của các công trình xây dựng bao gồm từ bước xác định chủ trương đầu tư, thiết kế, xây dựng, vận hành bảo trì và phá dỡ công trình. Tiêu chuẩn này áp dụng cho các loại công trình.

Bên cạnh đó, dự thảo TCVN “Tổ chức và số hóa thông tin về nhà và công trình dân dụng, bao gồm BIM – Quản lý thông tin sử dụng mô hình hóa thông tin công trình – Phần 2: Phân phối thông tin trong các giai đoạn của dự án” được xây dựng dựa trên cơ sở tham khảo ISO 19650-2:2018.

Đóng góp ý kiến các dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia về Mô hình thông tin công trình (BIM)
Toàn cảnh Hội thảo.

Tiêu chuẩn này nằm trong chuỗi các dự thảo TCVN để hiện thực hóa lộ trình BIM, các tài liệu này hướng dẫn nghành Xây dựng phát triển một cách hiệu quả hơn bằng cách tiếp cận phương pháp quản lý thông tin để đưa ra được những quyết định sáng suốt dựa trên nhiều nguồn dữ liệu sẵn có. Tiêu chuẩn này bao gồm các yêu cầu liên quan đến việc quản lý thông tin trong giai đoạn bàn giao tài sản/ dự án. Cần được bên giao việc và bên nhận việc xem xét và sửa đổi thường xuyên cho đến khi thiết lập được quy trình tốt nhất…

Dự thảo tiêu chuẩn này mô tả quy trình triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng sử dụng BIM và có thể áp dụng cho toàn bộ vòng đời của các dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng. Bao gồm bước hoạch định chiến lược, phát triển dự án, giai đoạn ký kết hợp đồng (thỏa thuận), giai đoạn thiết kế, giai đoạn thi công… các nội dung liên quan về hoạt động xây dựng, thậm chí là giai đoạn kết thúc/ phá dỡ công trình. Các nội dung trong tiêu chuẩn này được hiểu và áp dụng một cách tương xứng, phù hợp với từng quy mô và mức độ phức tạp của dự án.

Tiêu chuẩn này có thể được sử dụng bởi bất kỳ bên giao việc nào. Nếu bên giao việc có kế hoạch áp dụng tài liệu này cho bất kỳ tài sản (hoặc dự án) nào thì việc sử dụng tài liệu này phải được phản ánh trong thỏa thuận chính thức…

Tại Hội thảo, các đại biểu ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực, tinh thần trách nhiệm và sự nghiêm túc của nhóm nghiên cứu Viện Kinh tế xây dựng và VNCC trong quá trình biên soạn các dự thảo TCVN về BIM. Về cơ bản, các đại biểu thống nhất với cấu trúc các dự thảo tiêu chuẩn.

Tuy nhiên, nhằm đảm bảo chất lượng tối ưu cho các dự thảo, nhiều đại biểu nhấn mạnh sự cần thiết thống nhất thuật ngữ trong dự thảo tiêu chuẩn với các thuật ngữ, khái niệm liên quan trong các văn bản pháp luật hiện hành; làm rõ hơn thuật ngữ “công trình” và một số thuật ngữ, định nghĩa trong các dự thảo tiêu chuẩn; các thuật ngữ nên xem xét, đảm bảo sự phù hợp trong môi trường hoạt động xây dựng ở Việt Nam.

Các chuyên gia cũng góp ý nhóm nghiên cứu cần xem xét, làm rõ hơn sự chuyển tiếp của các hoạt động; bổ sung thêm phần thuyết minh, để người sử dụng có thể hiểu được mối quan hệ giữa các chủ thể và các nhóm; cần phân loại rõ các đối tượng áp dụng; rà soát câu chữ, trình bày trong các dự thảo…

Kết luận Hội thảo, Phó Vụ trưởng Lê Minh Long cảm ơn các nhà quản lý, chuyên gia, đại biểu khách mời đã tham gia và đóng góp nhiều ý kiến xác đáng giúp Ban tổ chức cập nhật, bổ sung và nâng cao hơn nữa chất lượng các dự thảo tiêu chuẩn về BIM.

Sau Hội thảo này, Bộ Xây dựng sẽ tổ chức thêm nhiều hoạt động tiếp thu ý kiến công khai tới mọi tầng lớp người dân, các tổ chức xã hội, để đảm bảo các dự thảo tiêu chuẩn đạt chất lượng tốt nhất.

Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tổ chức xây dựng các tiêu chuẩn về BIM, đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, đồng hành của các nhà quản lý, các chuyên gia, doanh nghiệp trong việc xây dựng và hoàn chỉnh Hệ thống tiêu chuẩn về BIM nói riêng, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ngành Xây dựng nói chung.

Nguồn: Theo trang tin điện tử Báo Xây dựng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *