Chi phí áp dụng BIM được tính trong chi phí tư vấn đầu tư xây dựng theo quy định tại Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Phụ lục VIII Thông tư số 12/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 của Bộ Xây dựng, đã có quy định chi phí áp dụng BIM xác định bằng dự toán chi phí nhưng không quá 50% chi phí thiết kế.
Chi phí áp dụng BIM xác định bằng dự toán
Cơ chế chính sách liên quan đến chi phí áp dụng BIM ở mỗi nước trên thế giới là khác nhau. Tại Việt Nam, dự án áp dụng BIM trong quá trình lập dự án, thiết kế, giám sát thi công, quản lý dự án thì chi phí áp dụng BIM được xác định bằng dự toán chi phí nhưng không quá 50% chi phí thiết kế.
Đối với các dự án sử dụng vốn khác khi có yêu cầu áp dụng BIM từ Chủ đầu tư, một số nhà thầu khi áp dụng BIM để phục vụ cho công tác thi công thì chi phí áp dụng BIM đang được tính vào hạng mục chi phí chung của Nhà thầu.
Cụ thể, nội dung về định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng tại Phụ lục VIII Thông tư số 12/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 của Bộ Xây dựng, quy định: “Trường hợp dự án, công trình, gói thầu có yêu cầu áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM) trong quá trình lập dự án, thiết kế, giám sát thi công, quản lý dự án thì chi phí áp dụng BIM xác định bằng dự toán chi phí nhưng không quá 50% chi phí thiết kế xác định theo hướng dẫn tại Thông tư này”.
Theo TS Tạ Ngọc Bình – Viện Kinh tế xây dựng, một số nhà thầu tiên phong áp dụng BIM trong giai đoạn thi công như Công ty CP Xây dựng Coteccons, Tập đoàn Hoà Bình, Công ty CP Xây dựng số 1 – COFICO… tính chi phí áp dụng BIM vào hạng mục chung cho nhà thầu tại một số dự án; còn các bên tư vấn thiết kế, tư vấn BIM thường tính theo tỷ lệ của phần thiết kế, chi phí này bao gồm: Chi phí chuyên gia (nhân sự dựng hình, nhân sự điều phối và nhân sự quản lý); chi phí khác cho những phần mềm cần phải sử dụng (phần mềm Môi trường dữ liệu chung CDE, giải pháp công cụ để dựng hình…), khấu hao máy móc.
Thực tế tổng kết của những nước đi trước trong áp dụng BIM cho thấy, những chi phí về mặt phần cứng, phần mềm như máy tính, giải pháp phần mềm không lớn so với chi phí nhân sự (một đơn vị tư vấn cần 20 – 50 nhân sự). Tuy nhiên, do việc áp dụng BIM phụ thuộc vào chiến lược, kế hoạch kinh doanh, ở mỗi nước có những quy định khác nhau.
Ví dụ, tại Singapore, ngoài ưu đãi cung cấp một phần vốn cho việc áp dụng BIM, các dự án có sự điều chỉnh chi phí như chi phí thiết kế cộng 5% vào giai đoạn thiết kế ban đầu và được trừ 5% vào giai đoạn thiết kế sau để có chi phí dựng mô hình trong giai đoạn đầu. Còn ở Anh không cơ cấu thêm chi phí.
Các chuyên gia cho rằng, việc quy định về định mức chi phí áp dụng BIM trong quá trình lập dự án, thiết kế, giám sát thi công, quản lý dự án không quá 50% tổng chi phí thiết kế khá phù hợp bối cảnh Việt Nam hiện nay.
Ông Noah Arles – Giám đốc kỹ thuật AEC ASEAN, Autodesk khuyến nghị, theo kinh nghiệm làm việc của Autodesk ở hầu hết các nước, những đơn vị rất mong muốn, quyết định áp dụng BIM lại là những nhà thầu hơn là phía thiết kế. Trong khi đó, ở Việt Nam, việc áp dụng BIM mới chủ yếu nhìn nhận ở giai đoạn thiết kế là chính, đặc biệt đối với các công trình giao thông.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Trần Văn Tâm – Tổng giám đốc IDECO Việt Nam, chi phí áp dụng BIM theo quy định tại Thông tư số 12/2021/TT-BXD nếu xét trong giai đoạn này có thể thấp, chưa đáp ứng được chi phí thực tế đối với các đơn vị tiên phong áp dụng BIM tại Việt Nam.
Tuy nhiên, đối với giai đoạn sau, khi việc áp dụng BIM đã đi vào phổ biến trong thị trường xây dựng, khi các doanh nghiệp đã xây dựng được cơ sở dữ liệu lớn cho thư viện, biểu mẫu thì chi phí áp dụng BIM thực tế của doanh nghiệp sẽ giảm xuống, lúc đó sẽ cần có thay đổi, cập nhật về cơ chế chính sách đối với chi phí áp dụng BIM.
Đứng từ góc độ của chủ đầu tư, ông Lê Quang Thắng – Điều phối BIM công trình hạ tầng Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp Becamex IDC (tỉnh Bình Dương) cho biết, Ban lãnh đạo Becamex IDC rất quan tâm đến việc chuyển đổi số trong xây dựng. Kinh nghiệm áp dụng BIM của Trung tâm BIM thuộc Becamex IDC cho thấy, lợi ích áp dụng BIM mang lại trong quản lý thi công các công trình cao hơn rất nhiều so với chi phí ban đầu là đầu tư máy móc, phần mềm và nhân lực thực hành BIM.
Tại Becamex IDC cũng đang tuân thủ đúng chi phí áp dụng BIM theo đúng Thông tư số 12/2021/TT-BXD của Bộ Xây dựng.
Áp dụng BIM như một dịch vụ cộng thêm cho khách hàng
TS Phan Hữu Duy Quốc đặt vấn đề: Trước đây, khi chưa có quy định về áp dụng BIM, Công ty CP Xây dựng Coteccons hay các doanh nghiệp lớn khác trong ngành Xây dựng đưa chi phí áp dụng BIM vào hạng mục chung, bởi doanh nghiệp tự xây dựng năng lực, nguồn lực và tự làm như một dịch vụ cộng thêm cho khách hàng.
Nhưng hiện nay, khi đã có quy định áp dụng BIM nhưng mới chỉ nhìn nhận chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng theo như Thông tư số 12/2021/TT-BXD, mà chưa có chi phí cho các bên khác như: nhà thầu, chủ đầu tư…
PGS TS Trần Chủng – Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình đường bộ Việt Nam (Varsi) rất quan tâm đến chi phí, định mức cho công tác thiết kế khi mà nhiều nhà thầu giao thông muốn áp dụng BIM.
Như Tập đoàn Đèo Cả muốn áp dụng BIM cho Dự án cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn, đã phải đầu tư một loạt công cụ, trong đó có thuê, mua thiết bị để dựng lại hồ sơ thiết kế từ 2D, thậm chí chỉ là từ bản thiết kế trên giấy nhằm phục dựng lại thiết kế dự án bằng 3D. Ngoài ra còn có các chi phí khác như thiết bị kiểm soát quá trình thi công… Nếu không có định mức cho các công tác này thì không biết áp dụng thế nào cho phù hợp quy định.
Ông Võ Hoàng Anh – Trưởng Phòng quản lý chất lượng và nghiên cứu phát triển, Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải – CTCP (TEDI) nêu quan điểm, cần tập trung xây dựng định mức, đơn giá, dự toán cho việc áp dụng BIM, những vấn đề này cần được ưu tiên hàng đầu bởi tất cả các đơn vị khi áp dụng BIM đều vướng.
BIM không phải dành riêng cho quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng, mà còn còn các bên khác như bên khảo sát… Hiện giờ các bên như: Nhà đầu tư, nhà thầu, tư vấn, cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư, họ đều gặp vướng mắc trong áp dụng BIM.
Tuy nhiên, theo lý giải của TS Tạ Ngọc Bình, thông thường các định mức, chi phí sẽ được cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, tổng kết sau một thời gian triển khai rồi mới ban hành, nhằm đảm bảo tính đồng bộ và phù hợp với thực tiễn. Với cơ sở dữ liệu đang có hiện nay, chưa thể cho phép ban hành ngay và đầy đủ một hệ thống định mức, chi phí cho áp dụng BIM.
Thực tế, những khoản đầu tư máy móc, con người khi áp dụng BIM đã được nhiều bên nhà thầu chuyển đổi thành công như Coteccons, Hòa Bình, Cofico cùng nhiều nhà thầu, tổng thầu lớn khác. Theo đó, về mặt con người, các doanh nghiệp này đã có con người biết thực hành BIM, chi phí phục vụ áp dụng BIM trong giai đoạn thi công chỉ tính thêm phần về máy móc, các phần mềm kèm theo nhưng chi phí này trong thực tế không lớn.
TS Tạ Ngọc Bình đưa ra ví dụ cụ thể, như ở công trình Tòa tháp Viettinbank Hà Nội, chi phí trang bị máy móc, phần mềm… để áp dụng BIM trong giai đoạn thi công không lớn khi so với gói thầu thi công xây dựng để nhà thầu thực hiện công việc. Trong khi đó, lợi ích nhận được từ việc phối hợp sớm trên mô hình BIM trước khi thi công xây dựng trên công trường là rất đáng kể.
Qua chia sẻ của TS Tạ Ngọc Bình có thể thấy, nhà thầu thúc đẩy áp dụng BIM mạnh mẽ nhất cũng có nguyên do, trong đó có nguyên do đến từ việc xây dựng uy tín, thương hiệu, đẳng cấp dẫn đầu thị trường của chính doanh nghiệp, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên thị trường, nhưng đặc biệt phải kể đến nguyên do doanh nghiệp có nguồn lực rất lớn từ các gói thầu.
Tính chi phí áp dụng BIM cho vành đai 3 TP.HCM
Thực tế cho thấy đã có những dự án giao thông đường bộ đi đầu trong áp dụng BIM đã tuân thủ nguyên tắc tính đúng, tính đủ trong quản lý chi phí của nhà nước bởi đã có tư vấn áp dụng BIM đưa ra phương án tính toán phù hợp với quy định của Thông tư số 12/2021/TT-BXD cũng như phù hợp bối cảnh áp dụng BIM tại thị trường xây dựng Việt Nam hiện nay. Có thể kể đến việc áp dụng BIM cho dự án đường Vành đai 3 TP.HCM.
Ông Trần Văn Tâm – tư vấn áp dụng BIM cho dự án chia sẻ, khi áp dụng BIM cho các dự án giao thông lớn của TP.HCM, chủ đầu tư đã lập dự toán áp dụng BIM tuân thủ đúng theo quy định của Thông tư số 12/2021/TT-BXD.
Tư vấn đã lập đề cương áp dụng BIM, trong đó đặt ra các nội dung và mức độ áp dụng BIM cụ thể, rồi lập dự toán áp dụng BIM theo nguyên tắc chi phí BIM tối đa không vượt quá 50% chi phí thiết kế. Hiện nay, tại UBND TP.HCM, các Chủ đầu tư cũng đã duyệt nhiều dự án giao thông đường bộ theo hướng này.
Lý giải về việc chưa có quy định về định mức áp dụng BIM cụ thể mà chỉ có mức trần bằng 50% tổng chi phí thiết kế dự án cho công tác tư vấn, ông Trần Văn Tâm bày tỏ sự đồng tình, hiện nay những hướng dẫn áp dụng BIM của Bộ Xây dựng cũng như Quyết định số 258/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đều quy định theo hướng, việc áp dụng BIM trong giai đoạn hiện nay do chủ đầu tư quyết định nội dung và mức độ áp dụng BIM cho nên không thể đưa ra một định mức cụ thể được. Để xây dựng định mức, cần phải có quy định cụ thể về nội dung và mức độ áp dụng BIM cho từng loại công trình.
Theo TS Phan Hữu Duy Quốc, vấn về định mức, chi phí cho việc áp dụng BIM cần phải có thời gian hơn để hoàn thiện và đồng bộ, không dễ dàng thực hiện được ngay khi chưa đủ cơ sở dữ liệu, đặc biệt là đối với ngành Giao thông cần có những dự án áp dụng BIM nhiều hơn mới có thể đưa ra được những nhận định, đánh giá xác đáng từ đó có cơ sở dữ liệu xây dựng định mức, chi phí phù hợp.
Theo tapchixaydung.vn