Tóm tắt: Dưới đây là một phần của của chương trình nghiên cứu có tên “ Lộ trình chuyển đổi số cho Kiến Trúc Sư và Kỹ Sư” mà các tác giả đang dẫn dắt các thành viên của câu lạc bộ AGO-19650 thực hiện.
Từ khóa: ISO 19650; BIM; quản lý thông tin; chuyển đổi số; lộ trình.
Vào thời điểm năm 2013, rất nhiều quốc gia trên thế giới đã ban hành các tiêu chuẩn liên quan đến B.I.M ( Building Information Modeling – Mô hình thông tin công trình ). Tuy nhiên, gây chú ý nhất vẫn là bộ tiêu chuẩn B.I.M của Hoa Kỳ có tên NBIMS-US phiên bản 3. Rất nhiều quốc gia đã dần dần áp dụng bộ tiêu chuẩn một cách dè dặt. Nhiều người ở Việt Nam cũng biết đến bộ tiêu chuẩn này, nhưng mức độ phổ biến của nó vẫn rất hạn chế ngay tại Hoa Kỳ.
Đến năm 2014 có một khái niệm tuy không liên quan trực tiếp nhưng nó ảnh hưởng rất lớn đến BIM. Thủ tướng đương thời của nước Đức công bố khái niệm “ Công nghệ 4.0”
Năm 2013, Anh công bố bộ tiêu chuẩn BIM dạng dùng thử để góp ý. Nội dung cũng có một sự khác biệt tuy nhiên sự khác biệt quan trọng nhất là định hướng phát triển BIM. Định hướng của BIM Hoa Kỳ chỉ nhắm đến cho ngành công nghiệp xây dựng, còn BIM của Anh thì được định hướng theo chiến lược DBB (Digital Built Britain – Chương trình chuyển đổi số của nước Anh) mà hiện nay điều hành trực tiếp là CDBB. Tuy không dám chắc chắn là có sự liên hệ giữa khái niệm “Công nghệ 4.0” với DBB nhưng nội dung hoạt động của DBB rất khớp với nội hàm của khái niệm này.
Với tham vọng kinh tế của mình, Anh đã chuyển bộ tiêu chuẩn B.I.M quốc gia trở thành tiêu chuẩn quốc tế ISO 19650:2018. Trong nội dung của bộ tiêu chuẩn này, thấp thoáng thấy được sự hợp tác với Hoa Kỳ.
Tên của bộ tiêu chuẩn ISO 19650: 2018
Organization and digitization of information about buildings and civil engineering works, including building information modelling (BIM) – Information management using building information modelling
Chuyển ngữ như sau:
Tổ chức và số hóa thông tin về các tòa nhà và công trình kỹ thuật dân dụng, bao gồm cả mô hình hóa thông tin tòa nhà (BIM) – Quản lý thông tin bằng cách sử dụng mô hình thông tin tòa nhà
Nội dung được chia thành 5 phần dựa vào đối tượng:
Thuộc ngành công nghiệp xây dựng sẽ áp dụng trực tiếp
- Part 1: Concepts and Principles – Các khái niệm và nguyên tắc
- Part 2: Delivery phase of the assets – Giai đoạn bàn giao các tài sản
Và tham khảo các tập:
- Part 3: Operational phase of the assets – Giai đoạn vận hành các tài sản; đối tượng là công ty khai thác sản phẩm ví dụ như các công ty vận hành khách sạn.
- Phần 4: Information Exchange – Trao đổi thông tin (chưa phát hành)
- Phần 5: Security-minded approach to information management – Phương pháp tiếp cận quan tâm đến bảo mật để quản lý thông tin; đối tượng là các công ty công nghệ thông tin có sản phẩm hướng đến các công trình xây dựng.
Từ giữa năm 2019, dựa vào kiến thức và kỹ năng hành nghề thiết kế – quy hoạch kiến trúc có được trong 30 năm và 15 năm nghiên cứu – áp dụng – thực hành – giảng dạy những vấn đề liên quan đến BIM, tôi ( KTS Nguyễn Phước Thiện ) đã bắt đầu nghiên cứu bộ tiêu chuẩn này. Trong quá trình nghiên cứu, những thắc mắc, nghi ngờ của tôi không chỉ đối với BIM mà cả về nghề nghiệp đã được hóa giải rất nhiều.
Nghiên cứu càng sâu tôi càng chắc chắn khi khẳng định: tài liệu này là căn cứ và bước đi ban đầu để ngành xây dựng Việt Nam cũng như mỗi thành viên của mình xác định lộ trình chuyển đổi số. Để chứng minh cho khẳng định mang tính cá nhân của mình, từ tháng 9 năm 2020, tôi đã thành lập hai nhóm (mỗi nhóm 15 người) để cùng nghiên cứu tập 1 và 2. Đến tháng 5 năm 2021, hợp tác với AGOhub mở các lớp đào tạo + nghiên cứu áp dụng vào thực tế của Việt Nam theo một chương trình do tôi thiết lập. Sau khóa học, đã thành lập được câu lạc bộ AGO-19650 (50 thành viên) để nghiên cứu và phát triển các vấn đề trong bộ tiêu chuẩn cho nhiều trường hợp cụ thể.
Lớp học gồm nhiều kiến trúc sư – kỹ sư ở nhiều cấp quản lý khác nhau từ lãnh đạo, giám đốc, chủ nhiệm, chủ trì từ các công ty nhà nước, công ty tư nhân, công ty nước ngoài đang hoạt động trên khắp cả nước. Sau 10 buổi huấn luyện đầu tiên, tùy theo vị trí công việc của mình cũng như hiện trạng của công ty, các thành viên đang dần áp dụng từng phần học và nghiên cứu vào công việc hằng ngày để kiểm chứng theo nguyên tắc: học đến đâu áp dụng đến đó. Sau gần 6 tháng cùng nhau làm việc, Đến nay, mọi thành viên của câu lạc bộ AGO-19650 đều đồng ý với những khẳng định của tôi từ năm 2020 :
- Bộ tiêu chuẩn ISO 19650: 21018 chính là lộ trình và nội dung công việc mà ngành xây dựng cần phải làm để thực hiện chuyển đổi số, hòa nhập với thế giới.
- Những người đang công tác lĩnh vực tư vấn xây dựng dù có muốn áp dụng BIM hay không thì bộ tiêu chuẩn ISO19650 tập 1 và 2 vẫn là lộ trình mà họ phải đi theo nếu muốn hòa nhập vào công cuộc chuyển đổi số của Bộ Xây Dựng và của Chính Phủ Việt Nam.
HIện nay, AGOhub đang tiếp tục lớp thứ hai cũng gần 50 học viên (đối tượng lớp này có thêm đối tượng là nhiều Thầy Cô ở bậc đại học). Đây cũng là thành viên tương lai của câu lạc bộ.
Vậy thì điều gì ở ISO 19650: 2018 mà cụ thể là trong tập 1 và 2 đã thuyết phục được gần 100 người chuyên môn, học và làm theo ? Cụ thể những lợi ích trực tiếp mà ISO 19650: 2018 mang lại như sau:
- Nội dung của ISO 19650 phần 2 đề nghị một tiến trình thiết kế rất chặt chẽ và đầy đủ. Nếu bạn hiểu rõ nội dung của phần 2, bạn hoàn toàn tự xây dựng một tiến trình thiết kế phù hợp với cho mình hay tập thể của mình đối với những công trình tại Việt Nam và tuân theo hệ thống quy định hiện hành của Bộ Xây Dựng, pháp luật Việt Nam.
- Nếu bạn thực hiện làm đúng theo tiến trình ISO 19650 có nghĩa là bạn bạn đã đồng thời áp dụng ISO 9001: Quality Management Syste một cách tự nhiên nhất cho doanh nghiệp vì những nguyên tắc quan trọng liên quan đến ngành xây dựng đã trích xuất, cụ thể hóa và đưa vào trong tiến trình góp phần áp dụng ISO 9001 theo đúng nguyên tắc quản lý chất lượng thực sự chứ không phải chỉ vì mục đích đạt được chứng chỉ.
- Không chỉ là ISO 9001, mà tiến trình ISO 19650 phần 2 đã được thiết lập dựa vào ISO 21500: Hướng dẫn quản lý dự án. Vì vậy, bạn tự tin rằng doanh nghiệp của bạn đang vận hành theo nhưng nguyên tắc quản lý dự án với chuẩn quốc tế
- Giá trị của sản phẩm được hình thành theo ISO 19650 được gia tăng giá trị vì sản phẩm theo tiến trình còn là tiền đề thuận khi muốn áp dụng ISO 55000 vào việc quản lý tài sản.
- Còn một lợi ích RẤT LỚN và RẤT QUAN TRỌNG nữa cho Việt Nam: đô thị thông minh. Để hiểu được nôi dung của lợi ích này cần phải biết đến một số nội dung như dưới đây.
Theo sự hiểu biết hạn chế của chúng tôi, chuyển đổi số là chuyển đổi cách thức sinh hoạt của con người trong một xã hội hiện trạng sang một xã hội mới mà sự vận hành của nó sẽ dựa trên 3 yếu tố:
- Công nghệ số: bao gồm gồm trí thông minh nhân tạo (artificial intelligence – AI), điện toán đám mây (cloud), internet vạn vật (internet of things), an ninh mạng (cybersecurity) và blockchain,
- Năng lực số: khả năng sử dụng những sản phẩm của công nghệ số như là công cụ sản xuất trong lao động.
- Lãnh đạo số: dẫn dắt một tập thể có năng lực số để phát triển tập thể đó theo một ý đồ mang tính thời đại mà tập thể đó đã chuẩn bị.
Các công nghệ đã dần dần đi vào cuộc sống qua các thiết bị thông minh như: điện thoại, đồng hồ, xe hơi,…(sản phẩm của công nghệ trí thông minh nhân tạo). Để các thiết bị này ngày càng thông minh so với khi nó xuất xưởng là do dữ liệu. Ví dụ: dữ liệu bên trong một điện thoại thông minh được hình thành và phát triển bởi 3 nguồn:
- N1: được cài sẵn trong sản phẩm khi nó được bán ra.
- N2: tự sinh ra trong quá trình sử dụng sản phẩm.
- N3: cập nhật từ internet
N2 không chỉ làm cho khối lượng dữ liệu tăng thêm mà làm cho điện thoại “hiểu” người thường xuyên sử dụng nó hơn. Để có N3 thì điện thoại phải nối mạng và AI không chỉ giúp cho điện thoại thông minh được bổ sung và cập nhật thường xuyên mà còn đem chuyển những thông tin từ N2 về một địa chỉ nào đó (thường là kho dữ liệu của hảng sản xuất ra sản phẩm). Không chỉ vậy, các “app” (trước đây gọi là phần mềm) cũng được trang bị một cơ chế thông minh. Lúc này, tương tự như điện thoại thông minh, máy tính cũng có cơ chế nhập và xuất thông tin. Khái niệm này là cốt lỗi của công nghệ số tên là IoT ( internet of things ) đã được đề cập. Trong một căn hộ với tủ lạnh, máy giặt, hệ thống đèn chiếu sáng, hệ thống âm thanh … phải là các IoT thì mới kết nội được với điện thoại thông minh. Lúc này, điện thoại thông minh sẽ điều hành các thiết bị, căn hộ thông minh xuất hiện. Như vậy, công nghệ IoT là công nghệ cung cấp “nhiên liệu” cho công nghệ AI hoạt động và nâng cao “trình độ thông minh”. Như vậy, khái niệm về cách vận hành một thị thông minh cũng có thể suy ra từ một căn hộ thông minh. Muốn như vậy:
Mỗi một thực thể vật lý trong một đô thị phải là mỗi một “điện thoại thông minh” nghĩa là phải có DỮ LIỆU liên quan đến nó cùng với cơ chế cập nhật, phát triển thông tin tự động. Nếu không có dữ liệu thì không có AI nào giúp cho đô thị đó trở thành thông minh được vả IoT cúng không có hiệu quả gì. Dữ liệu này sẽ là kết quả của ngành xây dựng Việt Nam góp phần vào Big Data của quốc gia cũng như của thế giới.
Lợi ích RẤT LỚN và RẤT QUAN TRỌNG mà bộ tiêu chuẩn ISO19650 là giúp cho các thực thể vật lý, mà chúng ta hay gọi là phần cứng, của một đô thị sẵn sàng trở thành một chiếc điện thoại thông minh.
Vậy lộ trình chỉ là: dịch bộ tiêu chuẩn này ra tiếng Việt à nghiên cứu à áp dụng là được, phải không? Không đơn giản như vậy. Hãy xem tiến trình áp dụng ISO 19650 đang diễn ra ở Anh.
Bộ tiêu chuẩn ISO 19650:2018 được xuất bản bằng tiếng Anh vào tháng 7 năm 2018. Những người có trách nhiệm chuyển thành BS ISO 19650:2018 có ngành công nghệp xây dựng sử dụng. Về nội dung thì giữ nguyên 99%. Một vài chi tiết của nội dung được điều chỉnh nhưng vẫn ghi chú nội dung gì đã thay đổi như thế nào thì được ghi rõ ra. Ngoài điều chỉnh họ đã ghi chú một số từ trong ISO được hiểu như thế nào trong BS ISO. Họ phải làm việc này vì bộ tiêu chuẩn ISO 19650 được viết với một văn phong cũng như sử dụng từ ngữ hàn lâm. Ngoài ra, tính khái quát của nó cũng rất cao, rất khó hiểu dù tiếng Anh là ngôn ngữ mẹ đẻ của họ. Vì vậy, liên minh BIM UK mới biên soạn và phát hành một hướng dẫn sử dụng vào tháng 7 năm 2019. Nhưng đến tháng 10 năm 2019 họ đã điều chỉnh phiên bản tháng 7 năm 2019 để xuất bản lại. Cho đến tháng 1 năm 2021 họ đã cho xuất bản lại lần thứ 6. Như vậy, trung bình 2, 5 tháng học lại điều chỉnh một lần. Điều này cho thấy sự bối rối của người Anh như thế nào đối với ISO 19650. Vì vậy, để dịch ra tiếng Việt sao cho phản ánh đúng nội hàm của ISO 19650 là một điều cực kỳ khó khăn nếu không muốn nói là không tưởng.
Hiểu được nội hàm của ISO 19650 người Việt Nam rồi vẫn chưa thể áp dụng được, tại sao?
Nội dung của ISO 19650 không phải là cái gì quá mới mẻ và quá xa lạ mà chỉ là kế thừa có chọn lọc những thành quả của ngành công nghiệp xây dựng của các quốc gia tiên tiến trên thế giới qua phễu lọc: thời kỳ mới của nhân loại -thời đại số. Những thành quả này có được dựa vào trình độ văn minh của con người. Các yếu tố như: phương pháp làm việc, phương pháp tư duy, phương pháp tổ chức, phương pháp quản lý, … đều mang tính khoa học ở một trình độ rất cao so với chúng ta. Vì vậy, nếu chúng ta không được trang bị những yếu tố đó, mà ISO 19650 mặc nhiên cho rằng những ai là đối tượng của nó phải biết, thì rất khó để nghiên cứu và học tập.
Tuy có rất nhiều khó khăn như vậy nhưng nếu bạn hiểu được những nội dung cốt lõi cũng như áp dụng được tiến trình công việc thì ngoài những lợi ích cụ thể như trên, bản thân bạn sẽ tự động có được những lợi ích tiềm ẩn như sau:
- Phương pháp tư duy và phong cách làm việc phù hợp với thời đại số
- Sử dụng được những tiện ích mới mà thời đại đem lại cho nghề nghiệp của mình.
Ngoài những lợi ích dễ nhận biết đã nêu ở trên, còn một lơ
Vậy thì lộ trình phải như thế nào?
Tôi xin trả lời như sau:
- Giai đoạn 1: chuẩn bị một số kiến thức – phương pháp làm việc – kỹ năng cơ bản để có thể hiểu được những gì mà người hướng dẫn sẽ trình bày trong bước 2.
- Giai đoạn 2: học tập và làm việc dưới sự chỉ dẫn của một người có kiến thức nền tảng về ngành xây dựng phong phú và vũng chắc cũng như hiều biết về BIM theo hướng chuyển đổi số để nhận thức dần dần về ISO 19650.
- Giai đoạn 3: song song với giai đoạn 2 là áp dụng những tri thức mình vừa học vào công việc hằng ngày để nêu lên những khó khăn chưa giải quyết được để cùng với người hướng dẫn giải quyết.
- Giai đoạn 4: cũng song song với giai đoạn 2 và 3, xác định một số cơ sở dữ liệu cần thiết để thiết lập một kế hoạch tạo lập chúng.
- Giai đoạn 5: tổ chức lại bộ máy nhân sự của đơn vị mình và cấu trúc lại dữ liệu của đơn vị mình
- Giai đoạn 6: vừa sản xuất, vừa tạo lập dữ liệu theo ISO 19650
Trong hai khóa học đã được tổ chức ở AGOhub, áp dụng tiến trình tuần tự như sau:
- Giai đoạn 1 được tiến hành trong 30 giờ (10 buổi). Điều kiện tham gia là phải hành nghề được ít nhất là 5 năm.
- Giai đoạn 2: tiến hành trong 105 giờ (35 buổi). Điều kiện tham gia là phải hoàn thành khóa 1
Hiện nay, AGOhub đã cải tiến xong chương trình học bằng cách đan xen của nội dung của giai đoạn 1, 2 và 3 nên thời lượng được rút ngắn là 90 giờ học (phân đều trong 30 buổi học của 15 tuần). Điều kiện tham gia là phải hành nghề được ít nhất là 5 năm.
Thưa các bạn,
Đối tượng đầu tiên của bài viết này mà tôi muốn nhắm đến là mỗi cá nhân trong cộng đồng kiến trúc sư Việt Nam, những đồng nghiệp của tôi. Dù bạn ở cương vị nào, đang làm việc ở đâu, làm công việc gì hằng ngày nhưng vẫn trong lĩnh vực công nghiệp xây dựng thì bạn đang phải đối mặt với:
- Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, hướng đến năm 2030”
- Quyết định số 1004/QĐ-BXD của Bộ Trưởng Bộ Xây Dựng Về việc Phê duyệt “Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Xây dựng giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”
Điều này có nghĩa là bạn không có một lựa chọn nào khác nếu muốn tiếp tục theo đuổi nghề.. Rồi đây sẽ có nhiều lộ trình chuyển đổi số được đề nghị cho ngành xây dựng của chúng ta, cho cộng đồng kiên trúc sư Việt Nam. Nhưng tôi tin chắc bất cứ lộ trình nào cũng sẽ phải khởi hành bằng ISO 19650. Hãy bắt đầu chuyển đổi số với ISO 19650 các bạn nhé !
Nếu bạn đang đọc bài viết này mà không phải là kiến trúc sư thì hãy đọc lại một lần nữa; mỗi lần thấy chức danh kiến trúc sư thì hãy thay bằng chức danh mà bạn đang có trong ngành công nghiệp xây dựng thì tôi tin chắc thông tin của nội dung cũng không thay đổi.
Rất mong nhận được ý kiến góp ý mang tính bổ sung, trái chiều hoặc thắc mắc từ người đọc. Nếu muốn góp ý hay cùng nhau thảo luận những ý kiến trái chiều thì hãy liên lạc với Aguhub qua email: info@agohub.com. AGOhub định kỳ tổ chức thảo luận công khai trên diễn đàn của mình về các nội dung liên quan đến chuyển đổi số và ISO 19650.
Chân thành cảm ơn vì đã đọc bài viết này.
KTS Nguyễn Phước Thiện – Chủ trì chương trình nghiên cứu và giảng dạy ISO-19650, AGOhub.
cùng các cộng sự :
KTS Trần Quang Huy – Chủ trì các chương trình thực hành BIM & ISO-19650, AGOhub.
KTS Nguyễn Tuấn Anh – Sáng lập, Giám đốc điều hành AGOhub.
12/2021
(Bài viết đăng trên Kỷ yếu Hội thảo Gặp gỡ Mùa thu)