Bài viết nhằm đem lại cái nhìn tổng quá các tồn tại, thách thức, cũng như chia sẻ kinh nghiệm trong thực tiễn áp dụng BIM của một doanh nghiệp tư vấn xây dựng tại địa phương, nhằm giúp các doanh nghiệp khác có chiến lược phù hợp khi tiếp cận và áp dụng BIM vào quy trình thiết kế của mình.
TÓM TẮT:
Trước tình hình khủng hoảng kinh tế trong những năm vừa qua, ngành Xây dựng Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng phải đối mặt với các thách thức lớn trong hoạt động kinh doanh. Việc chuyển đổi số trong ngành Xây dựng ngày một trở nên cấp bách và là vấn đề sống còn đối với các doanh nghiệp. Trước đây, đã có nhiều đơn vị triển khai mô hình thông tin công trình (BIM), tuy nhiên đa số các đơn vị này đều gặp phải các vấn đề trong việc triển khai đồng bộ. Vì vậy, “kinh nghiệm trong quá trình triển khai BIM của Công ty CP Tư vấn thiết kế & xây dựng Đà Nẵng”, một doanh nghiệp cổ phần hóa được thừa hưởng các yếu tố từ mô hình doanh nghiệp Nhà nước sẽ giúp đem lại một cái nhìn tổng quát về thách thức, khó khăn và cơ hội trong việc tái cấu trúc và chuyển đổi số. Giúp các doanh nghiệp khác có thể tự xây dựng chiến lược chuyển đổi số riêng cho mình trong tương lai.
Từ khóa: chuyển đổi số, tư vấn xây dựng, áp dụng BIM, CDC Đà Nẵng
ABSTRACT:
Facing the economic crisis in recent years, the Vietnamese construction industry in general and Vietnamese firms in particular have faced major challenges in their business operations. The digital transformation in the construction industry is becoming more and more urgent and vital for Vietnamese local firms. In the past, there were many firms implementing the Building Information Model (BIM), but the majority (these firms) had problems in internal implementation. Therefore, “experience in the BIM implementation of Construction Consultant firm CDC Da Nang”, a private firm that inherited elements from the state-owned enterprise model, will help providing an overview of the challenges and difficulties and opportunities in restructuring and digital transformation. These experiences might help other firms to develop their own digital transformation strategies in the future.
Keywords: Digital Tranformation in Vietnamese Construction Consultant firm; BIM Transformation; CDC Danang
I. GIỚI THIỆU:
Công ty CP Tư vấn thiết kế xây dựng Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng) tiền thân là Viện Thiết kế quy hoạch, thuộc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, thành lập vào năm 1976. Cuối năm 2007, CDC Đà Nẵng đã được cổ phần hóa và tổ chức lại mô hình hoạt động sản xuất. Tại thời điểm này, CDC Đà Nẵng có hơn 150 cán bộ kỹ sư, kiến trúc sư của đầy đủ tất cả các bộ môn như kiến trúc, kết cấu, MEP, dự toán, hạ tầng, địa hình, địa chất, etc.
Vào thời điểm 2015, khi ngành Xây dựng đang chịu tác động lớn của khủng hoảng kinh tế và các doanh nghiệp trong ngành Xây dựng đứng trước áp lực lớn, buộc phải thay đổi phương thức hoạt động truyền thống bằng việc chuyển đổi số, CDC Đà Nẵng là một đơn vị tư vấn thiết kế hạng I cấp Quốc gia, vốn được thừa hưởng một bộ máy từ thời doanh nghiệp quốc doanh đã nhận ra các vấn đề tồn tại cốt lõi và có bước chuyển mình mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời đại công nghiệp số hóa.
Bài viết nhằm đem lại cái nhìn tổng quá các tồn tại, thách thức, cũng như chia sẻ kinh nghiệm trong thực tiễn áp dụng BIM của một doanh nghiệp tư vấn xây dựng tại địa phương, nhằm giúp các doanh nghiệp khác có chiến lược phù hợp khi tiếp cận và áp dụng BIM vào quy trình thiết kế của mình.
Mặt khác, giúp các chủ đầu tư, ban quản lý dự án có thể hiểu rõ các lợi ích cũng như kết quả mà BIM có thể đem lại khi triển khai một cách đồng bộ trong các dự án đầu tư xây dựng.
II. NHỮNG TỒN TẠI, VƯỚNG MẮC
2.1. Tồn tại về quy trình công việc
Quy trình truyền thống trên CAD 2D gặp nhiều vấn đề trong triển khai bản vẽ không đồng bộ. Khi triển khai các công trình cao tầng, công trình trọng điểm, có số lượng lớn bản vẽ, việc thay đổi toàn bộ các bản vẽ sẽ tốn rất nhiều thời gian và sai sót rất lớn giữa các bộ môn tham gia dự án vì không có sự kết nối, trao đổi thông tin và đồng bộ hóa giữa các bên.
Việc triển khai bóc tách khối lượng dự toán tốn nhiều thời gian nhưng thường thay đổi liên tục dẫn tới phát sinh các lỗi do con người, làm chậm tiến độ chung của toàn dự án.
Trong quá trình làm việc, số lượng giấy được dùng để in ấn rất lớn, trong khi thiết kế phải thay đổi liên tục dẫn tới việc lãng phí một số lượng giấy không nhỏ. Sau nhiều năm, rất khó để trích xuất lại thông tin và lưu trữ từ các hồ sơ này.
2.2. Tồn tại về nhân sự, đào tạo
Số lượng nhân sự được sử dụng cho quy trình truyền thống rất cao (hơn 150 người), năng suất lao động ngày càng giảm sút do các thay đổi của chính sách và công nghệ, lại phụ thuộc nhiều vào công nghệ CAD 2D vốn đòi hỏi họa viên và đặc biệt là kỹ sư kinh tế xây dựng phải có nhiều năm kinh nghiệm.
Nhưng hiện tại, các trường đại học không còn đào tạo họa viên chuyên nghiệp hoặc các kiến trúc sư, kỹ sư mới ra trường không thể đáp ứng được yêu cầu của công ty. Vì không chuẩn bị được lực lượng có đủ năng lực cạnh tranh với thị trường trong khi nhóm họa viên có kinh nghiệm đang đến tuổi nghỉ hưu nên khả năng phát triển của công ty bị ảnh hưởng lớn.
Có quá nhiều nguồn đào tạo nhưng chất lượng chưa được kiểm chứng. Nhiều nguồn đào tạo không đủ năng lực để trang bị phần mềm bản quyền hoặc chưa thực hiện các công trình tại Việt Nam nên không có được đầy đủ các kiến thức để xử lý các vấn đề phát sinh khi chuyển đổi số của doanh nghiệp.
2.3. Tồn tại về vấn đề bản quyền
Để thực hiện theo Luật Sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp cần trang bị đầy đủ phần mềm bản quyền và chuyển đổi số hóa cho quy trình truyền thống. Tuy nhiên, vào thời điểm này, khung pháp lý cho việc triển khai BIM cho các dự án ở Việt Nam vẫn chưa được xây dựng hoàn thiện.
Dữ liệu mô hình và khối lượng dự toán không đủ điều kiện để các cơ quan chức năng phê duyệt, thẩm định. Vì vậy, việc đầu tư triển khai BIM cần chi phí đầu tư ban đầu lớn cho phần mềm nhưng đầu ra vẫn còn nhiều rủi ro và khó khăn đặc biệt không áp dụng được cho các công trình thuộc Nhà nước quản lý.
Các dự án tại Việt Nam chưa yêu cầu cung cấp đầy đủ chứng nhận bản quyền phần mềm, dẫn tới việc trang bị các công nghệ mới, phần mềm chuyển đổi số dẫn tới việc tạo ra các chi phí lớn và làm giảm tính cạnh tranh trong đấu thầu so với các doanh nghiệp sử dụng phần mềm bẻ khóa, không có bản quyền.
III. CÁCH TIẾP CẬN BIM
Từ thực tế trên, CDC Đà Nẵng định hướng phát triển chuyển đổi số BIM cho công ty bằng việc đầu tư công nghệ thông qua cách làm “cầm tay chỉ việc” trên công trình thực. Lợi ích từ phương pháp này được ghi nhận là vừa có kết quả của một công trình mẫu đã hoàn thành, vừa đào tạo nhân sự nội bộ có nhiều năm kinh nghiệm để tiếp nhận quy trình làm việc mới.
Dự án mẫu sẽ được các chuyên gia đào tạo trực tiếp hướng dẫn để các thành viên có thể trực tiếp tương tác và giải quyết các vấn đề phát sinh tại chỗ. Kết quả của khóa đào tạo này sẽ là tiền đề cho việc phát triển mở rộng áp dụng BIM cho các dự án tiếp theo. Từ lực lượng nhóm hạt nhân này, dự kiến sẽ trở thành nguồn đào tạo nhân sự chủ lực cho công ty nhằm giải quyết bài toán về nhân lực.
Để chuẩn bị cho giai đoạn chuyển giao, CDC Đà Nẵng đã chủ động huy động một nguồn vốn không nhỏ gần chục tỷ đồng để trang bị thiết bị, máy móc có thể sử dụng được các phần mềm thuộc hệ sinh thái BIM, chi phí để mời chuyên gia về đào tạo trong nhiều tháng và quỹ vận hành nhóm “BIM” – chuyên viên được đào tạo công nghệ.
Đối với một đơn vị tư vấn ở khu vực miền Trung, đây là một khoản chi phí dành cho R&D không hề nhỏ và bản thân ban lãnh đạo cũng xác định rằng đây là một bước đi chiến lược, còn nếu không triển khai thì sẽ không thể nắm bắt được xu thế và dần dần sẽ phải giải thể.
Để đảm bảo việc chuyển giao công nghệ được thực hiện từ các nguồn đã được kiểm chứng, CDC Đà Nẵng đã ký hợp đồng trực tiếp với Autodesk Singapore Ltd để mua các bản quyền phần mềm và tổ chức chương trình đào tạo và chuyển giao kinh nghiệm cho nhóm chuyên viên BIM của CDC Đà Nẵng vào cuối năm 2015.
Chương trình chuyển giao thí điểm theo dạng “cầm tay chỉ việc” trên một công trình thực ở Việt Nam để có thể kiểm tra kết quả đối chiếu và so sánh hiệu quả của nhóm chuyên viên với quy trình truyền thống.
IV. CÁC GIAI ĐOẠN TRIỂN KHAI BIM TẠI CDC ĐÀ NẴNG
4.1. Giai đoạn chuẩn bị:
Mục tiêu đặt ra cơ bản ban đầu của dự án bao gồm việc thành viên của nhóm BIM có thể sử dụng thành thạo phần mềm để triển khai bản vẽ và trích xuất khối lượng từ mô hình để hoàn thành bảng tiên lượng dự toán theo tiêu chuẩn Việt Nam.
Thời gian đào tạo vừa kết hợp làm việc ban ngày vừa tham gia đào tạo. Lý do CDC Đà Nẵng chọn cách này vì đào tạo ban đêm như nhiều đơn vị khác trước đây sẽ làm thành viên của nhóm mệt mỏi, thiếu thời gian dành cho gia đình nên hiệu quả đào tạo sẽ không cao.
Công ty chấp nhận đầu tư thời gian để các thành viên trong nhóm chỉ hoạt động cho các dự án hiện tại ở mức 20% cho tới khi hoàn thành khóa đào tạo. Thời gian chuyển giao kỹ thuật phần mềm là một tuần và thời gian hoàn thành công trình thí điểm là ba tháng.
Tuy nhiên, do việc thay đổi tư duy chuyển sang dùng một công cụ sản xuất mới nên nhiều cán bộ nhân viên không chủ động thay đổi cách làm việc khác. Sau khi nắm được kỹ thuật, các kiến trúc sư, kỹ sư còn bị các công ty về outsource của nước ngoài thu hút do có chính sách đãi ngộ tốt hơn.
Khi hoàn tất việc chuẩn bị nhân sự và trang bị máy móc, Công ty thực hiện thí điểm dự án BIM. Chương trình thí điểm BIM tại CDC Đà Nẵng lựa chọn tòa nhà Smart Building, 10 tầng, thuộc Đại học Bách khoa Đà Nẵng làm công trình mẫu vì quy mô không quá lớn, phù hợp với khung thời gian 3 tháng. Kết quả của chương trình thí điểm này được tổng hợp dưới đây:
– Phần mềm vẫn còn một số các hạn chế khi mô phỏng lại toàn bộ các cấu kiện, trong đó phần cầu thang vẫn chưa hoàn thiện, chưa thể hiện được các chi tiết thép cong trong ram dốc (đã được xử lý vào phiên bản 2019 với Free Form Rebar).
– Chưa thể xuất ra được bảng tiên lượng có diễn giải giống với bảng tiên lượng truyền thống theo tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam.
– Các bộ môn triển khai chưa đồng bộ, thiếu sự phối hợp để xử lý các vấn đề phát sinh. Khi gặp các vấn đề khó trong triển khai thường quay trở lại cách làm cũ, làm ảnh hưởng tới sự toàn vẹn của mô hình BIM.
Bên cạnh những khó khăn nội tại dự án, CDC Đà Nẵng cũng nhận ra những khó khăn do yếu tố bên ngoài như khung pháp lý phần khối lượng dự toán. Khó khăn này là thách thức lớn do đây là vấn đề về tiêu chuẩn xây dựng mang tính địa phương của thị trường Việt Nam nên các hãng phần mềm sẽ không phát triển hoặc có giải pháp riêng cho thị trường.
Điều này yêu cầu các khung pháp lý về xây dựng của Việt Nam phải có những thay đổi phù hợp với các tiêu chuẩn chung của quốc tế.
Trên thực tế, nhiều đơn vị triển khai BIM ở Việt Nam trước đây gặp phải các trở ngại trên nhưng không thể vượt qua được đã tạo ra các quan điểm tiêu cực đối với việc áp dụng BIM của các doanh nghiệp đi sau.
Một phần khác, quan điểm này bắt nguồn từ việc kì vọng quá lớn vào các phần mềm trong hệ sinh thái BIM, nhưng thực tế, phần mềm không thể đáp ứng được 100% tất các cả kì vọng của họ và không xử lý các vấn đề của riêng thị trường Việt Nam dẫn tới tâm lý ngại thay đổi trong doanh nghiệp.
Đa số các doanh nghiệp thường rơi vào các trường hợp sau: Nhiều doanh nghiệp có lãnh đạo quyết tâm chuyển đổi nhưng không thể duy trì được nhóm BIM hoạt động. Nhiều doanh nghiệp có các nhân viên trẻ năng động, nhưng không thể thuyết phục được ban lãnh đạo đầu tư chuyển đổi số.
Nếu muốn phát triển BIM, cần phải có lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược và chấp nhận rủi ro, đồng thời tạo điều kiện cho những nhân viên có đam mê và nhiệt huyết để có thể tạo dựng được một nhóm BIM vững mạnh tại doanh nghiệp.
Nhưng một trong các vấn đề nghiêm trọng nhất lại xuất phát từ những người có kinh nghiệm lâu năm nhất trong nghề. Việc chuyển đổi kỹ thuật số thay đổi hoàn toàn quy trình làm việc mà họ đã quen thuộc bấy lâu nay. Để có thể thay đổi quan niệm của cán bộ này, cần phải hoàn thiện được quy trình và tạo ra hiệu quả rõ rệt trong dự án.
Tuy nhiên, với các hạn chế của phần mềm và khung pháp lý, thì việc có thể chuyển đổi số hóa trong nội bộ còn rất nhiều khó khăn. Giải pháp của CDC Đà Nẵng cho vấn đề này tập trung đào tạo những sinh viên trẻ mới ra trường có khả năng học sử dụng phần mềm linh hoạt hơn. Đồng thời kết hợp với những chủ trì có chuyên môn nhiều năm để có thể xây dựng lực lượng nhân sự hạt nhân lâu dài.
4.2. Giai đoạn triển khai thí điểm
Để có thể làm chủ được công nghệ, CDC Đà Nẵng lựa chọn áp dụng BIM vào các công trình thực tế, mạnh dạn để nhóm BIM hoạt động trực tiếp với nhóm truyền thống nhằm đánh giá và tinh gọn tối đa quy trình làm việc. Cách làm này có nhược điểm là doanh nghiệp phải mạo hiểm tổ chức 2 dây chuyền song song nhưng doanh thu từ dự án vẫn không đổi.
Phòng BIM hoạt động độc lập như một xưởng thiết kế riêng biệt, khác với giai đoạn chuyển giao công nghệ. Đây là một cách làm dựa trên học thuyết “Thử và sai” (trial & error) [1] khi không có một giải pháp cụ thể từ những đơn vị đi trước và hãng phần mềm Autodesk, thì doanh nghiệp phải chấp nhận áp dụng phương pháp này nhằm xử lý các tình huống phát sinh trên các dự án thực tế và tập trung tìm hướng xử lý tại chỗ hoặc cho các dự án tiếp theo.
Các kết quả đạt được trong các dự án đầu tiên sẽ được phân tích, dùng làm cơ sở để tinh giản hiệu quả giữa các bên tham gia và áp dụng các giải pháp mới và lặp lại cho tới khi hoàn thiện được một kết quả phù hợp với các yêu cầu của chính đơn vị mình trước khi có thể triển khai đại trà trên số lượng lớn.
Từ năm 2016 đến nay, CDC Đà Nẵng đã triển khai áp dụng BIM cho nhiều dự án thiết kế xây dựng ở Việt Nam để chứng minh các giải pháp khác nhau nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh từ mô hình BIM nhằm tinh gọn tối đa thời gian triển khai mô hình, bản vẽ thiết kế xây dựng điển hình như:
4.2.1. Dự án Nhà điều hành Cảng hàng không Sân bay Quốc tế Đà Nẵng
4.2.1.1. Mục tiêu thí điểm
Đánh giá tốc độ triển khai bản vẽ giữa nhóm BIM và nhóm truyền thống. Xác định các vấn đề phát sinh từ mô hình cũng như khả năng trích xuất khối lượng. Nâng cao khả năng phối hợp trong nhóm BIM cũng như giải quyết các xung đột kỹ thuật với nhóm truyền thống.
4.2.1.2. Giai đoạn thực hiện dự án
Đa số các cấu kiện được thể hiện đầy đủ cho các bộ môn Kiến trúc và MEP nhưng vẫn chậm hơn thời gian triển khai bản vẽ của nhóm truyền thống khoảng 30%. Riêng bộ phận Kết cấu, cần gấp 3 lần thời gian để có thể thể hiện đầy đủ các chi tiết thép, đặc biệt là thép uốn cong của ram dốc.
Mô hình chưa đạt được yêu cầu của bộ phận dự toán và nếu cố gắng đạt được tiêu chí tự động hóa, thì cần thay đổi toàn bộ cách dựng hình, ví dụ như một sàn trên một tầng phải chia ra nhiều sàn nhỏ khác nhau theo lưới trục, hay phải vẽ nhiều lớp trát vữa hoàn thiện dẫn tới số lượng thao tác tăng gấp 5 – 10 lần.
Cuối cùng, mô hình BIM được sử dụng mang tính chất tham khảo và là nền tảng để tìm kiếm các công cụ hỗ trợ (plugin) để xử lý các vấn đề còn tồn tại.
4.2.2. Dự án Trụ sở Hải quan Cảng Hàng không sân bay quốc tế Đà Nẵng
4.2.2.1. Mục tiêu thí điểm
Đánh giá hiệu quả tái sử dụng các cấu kiện đã có sẵn, được thực hiện từ các dự án trước.
4.2.2.2. Giai đoạn thực hiện dự án
Mô hình được xây dựng phù hợp hơn với các yêu cầu của thị trường Việt Nam, đặc biệt là cách trình bày bản vẽ. Một phần khác đến từ kho thư viện được tích lũy qua dự án đầu tiên. Nhân sự được cải tổ và đánh giá lại về khả năng sử dụng phần mềm của từng bộ phận. Qua plugin này, một số các cấu kiện như tường đã có thể trích xuất được khối lượng tự động khoảng 25% các công việc của bộ phận dự toán. Phần thống kê thép cũng có thể thực hiện tự động kể cả các cấu kiện thép cong phức tạp. Trong quá trình làm, có nhiều giải pháp plugin khác như của Sofistik có thể đáp ứng được các yêu cầu này của bộ phận kết cấu.
Vào năm 2018, khi Revit được nâng cấp lên phiên bản 2019 thì ứng dụng Free Form Rebar đã có thể xử lý được toàn bộ các vấn đề về thép uốn cong, dẫn tới việc trang bị các plugin trước đây không còn cần thiết.
Bên cạnh đó, mặc dù đã tinh gọn thời gian triển khai bản vẽ, việc triển khai toàn bộ các chi tiết thép để plugin có thể bóc tách khối lượng tự động gây ra hiện tượng quá tải của hệ thống. Vì vậy, CDC Đà Nẵng buộc thay đổi lại cách tiếp cận “Mô hình hóa toàn bộ để bóc tách dự toán tự động” sang giải pháp khác phù hợp hơn với điều kiện thực tế.
Bài học quan trọng nhất sau quá trình này là doanh nghiệp tư vấn thiết kế áp dụng BIM cần bắt đầu xây dựng từ các yêu cầu của bộ phận d toán, vì bộ phận này đóng vai trò lớn trong việc thiết lập các dữ liệu đầu vào liên quan tới khối lượng của công trình xây dựng.
4.3. Giai đoạn triển khai toàn bộ
Sau khi kiểm chứng và loại trừ tối đa các lãng phí được phát hiện trong quá trình thí điểm nội bộ tại công ty, vào tháng 10/2018, CDC Đà Nẵng đã mạnh dạn đề xuất áp dụng BIM và đăng ký thí điểm BIM quốc gia cho dự án Bệnh viên chấn thương chỉnh hình Trung ương Cần Thơ, tổng mức đầu tư 950 tỷ đồng, chủ đầu tư dự án là BQLDA chuyên ngành xây dựng công trình y tế, thuộc Bộ Y tế.
Dự án được chính thức ghi nhận là dự án thí điểm của Chương trình thí điểm BIM quốc gia và là cơ sở tốt nhất để kiểm chứng độ tin cậy của BIM với các dự án trọng điểm quốc gia.
Trong quá trình triển khai dự án ở giai đoạn Thiết kế cơ sở, sự đồng bộ hóa mô hình của bộ môn Kiến trúc và Kết cấu đóng vai trò to lớn trong việc giảm thiểu thời gian điều chỉnh phương án thiết kế. Vì đặc thù của một công trình Bệnh viện Trung Ương cần điều chỉnh dựa trên nhu cầu thực tế, nên việc thay đổi thiết kế liên tục là điều không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên, nếu theo quy trình truyền thống trước đây, việc chỉnh sửa bản vẽ số lượng lớn (từ 500 – 700 bản vẽ) liên tục sẽ gây ra các lãng phí lớn đến tiến độ dự án.
Trong giai đoạn thiết kế kỹ thuật thi công, khi hệ thống MEPF được mô hình hóa và kiểm tra xung đột (Clash detection) nhằm phát hiện, kiểm soát các lỗi xung đột giữa các bộ môn thiết kế, CDC Đà Nẵng được yêu cầu báo cáo với Vụ Trang thiết bị y tế và công trình y tế và BQLDA chuyên ngành xây dựng công trình y tế tại Bộ Y tế vào tháng 11/2020.
Để đảm bảo tính chính xác của mô hình một cách khách quan nhất, mô hình BIM được yêu cầu giải trình, đối chiếu và so sánh các kết quả từ công tác kiểm soát xung đột của hệ thống MEPF bao gồm các hệ thống khí y tế, ống điều hòa, ống cấp nước, etc. với các bản vẽ 2D được thực hiện bởi thầu phụ.
Tại buổi báo cáo, Vụ Trang thiết bị y tế và công trình y tế đánh giá cao mô hình BIM đã thể hiện chính xác các cấu kiện trên không gia ba chiều mà theo cách làm 2D không thể thấy được.
Đối với các dự án có tính chất phức tạp, việc thiết lập mức độ ưu tiên giữa các bộ môn, đặc biệt giữa các bộ môn MEPF cho phép ban quản lý dự án có thể kiểm soát được chất lượng thi công dựa vào mô hình 3D trực quan. Các xung đột trên bản vẽ của các nhà thầu thi công 2D có thể được kiểm soát chặt chẽ từ khâu thiết kế trước khi đi vào giai đoạn khởi công cho phép giảm thiểu tối đa các rủi ro có thể trì hoãn tiến độ của dự án.
Vào tháng 11/2020, Vụ Trang thiết bị y tế và công trình y tế (Bộ Y tế) đã phê duyệt mô hình BIM giai đoạn thiết kế kỹ thuật và đánh dấu bước đầu áp dụng BIM cho các công trình trọng điểm của Bộ Y tế trong tương lai.
Vào năm 2021, Bộ Y tế đã nghiệm thu gia đoạn một sau khi phê duyệt mô hình BIM giai đoạn thiết kế kỹ thuật và tiến hành triển khai mô hình hóa giai đoạn hai khi thiết kế bản vẽ thi công được hoàn thiện.
Tới năm 2023, dự án đang được bổ sung và phối hợp với nhà thầu thi công để hoàn thiện bản vẽ hoàn công, đáp ứng việc quản lý và giám sát tác giả của đơn vị tư vấn thiết kế trong giai đoạn thi công.
V. MỘT SỐ DỰ ÁN KHÁC
Từ kết quả tất cả các bước triển khai mô hình chặt chẽ ngay từ giai đoạn phát triển ý tưởng, CDC Đà Nẵng đã phát triển một giải pháp trích xuất khối lượng từ mô hình BIM cho tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam và có thể xuất ra được bảng tiên lượng có diễn giải với định dạng gần nhất với bảng tiên lượng truyền thống của Việt Nam trong các dự án thuộc Nhà nước quản lý.
Ưu điểm của giải pháp này cho phép áp dụng được cho đa phần các công trình, kể cả các dự án hiện nay đang triển khai theo quy trình 2D truyền thống (nếu có mô hình BIM, kết quả sẽ đồng bộ và chính xác hơn).
Bên cạnh đó, có thể tự động được việc tính toán khối lượng, quy trình gắn mã hiệu vào đối tượng nhưng vẫn được kiểm soát, tuỳ vào hiểu biết và tư duy của người làm dự toán bằng phần mềm Cubicost.
5.1. Dự án Nhà điều hành Cảng Hàng không sân bay quốc tế Đà Nẵng
Vào năm 2021, CDC Đà Nẵng đã áp dụng giải pháp này trên mô hình BIM của dự án Nhà điều hành Cảng Hàng không sân bay quốc tế Đà Nẵng để so sánh công tác đo bóc khối lượng bằng công nghệ BIM với công tác đo bóc khối lượng truyền thống thủ công.
Khi so sánh khối lượng giữa kết quả từ mô hình và tiên lượng dự toán theo quy trình truyền thống, thì có sự khác nhau về kết quả. Một số công tác có cách biệt rõ rệt về khối lượng do bởi phần mềm sử dụng số liệu được thống kê từ mô hình, tính toán giao trừ chi tiết thể hiện rõ trên mô hình 3D, trong khi tiên lượng truyền thống, nhiều con số mang tính ước lượng khái quát, tính thiếu hoặc tính thừa đầu việc, bỏ sót (không tính) khối lượng xây dựng, tính trùng lặp khối lượng xây dựng hoặc gộp chung khối lượng các loại kết cấu trong cùng một công tác không theo yêu cầu kỹ thuật.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này bắt nguồn từ phương pháp đo bóc khối lượng của những người tham gia tính toán khác nhau, do chất lượng hồ sơ thiết kế chưa tốt, thiếu chi tiết, không khớp nhau và do chưa thống nhất quy định về trình tự tính toán khối lượng. [2]
Việc diễn giải khối lượng đã trở nên đơn giản hơn rất nhiều khi phần mềm hỗ trợ diễn giải trên mô hình BIM với những diễn giải rất chi tiết từ công thức tính toán tới trình tự tính toán.
Đặc biệt là công tác bóc tách các lớp hoàn thiện nhanh hơn trước đây nhiều lần khi phần mềm cho phép thiết lập hoàn thiện theo từng không gian như phòng ngủ, phòng khách, hành lang, phòng họp và từ đó người dùng chỉ cần thiết lập lựa chọn hoàn thiện theo không gian phòng.
Ngoài ra, phần mềm cũng giải quyết được những bài toán phức tạp trong hoàn thiện như: Trát dầm, hoàn thiện vệ sinh, nhiều lớp hoàn thiện với cao độ khác nhau. Bên cạnh đó giải pháp này tối ưu hóa hiệu quả và tốc độ làm việc của công tác dự toán khối lượng công trình.
Tính toán được chi tiết, chính xác và không thừa thãi vật liệu từ khâu thiết kế. Không nhầm đơn vị đo, thứ nguyên khi tính toán và đồng bộ được phương pháp đo bóc khối lượng của các kỹ sư với nhau. [3]
VI. KẾT LUẬN
Từ các kinh nghiệm trên, việc áp dụng BIM tại doanh nghiệp là một quá trình lâu dài, cần được sự quan tâm, hỗ trợ vào tạo điều kiện từ các cấp lãnh đạo cao nhất của doanh nghiệp vì việc xây dựng mô hình BIM cần có kinh nghiệm chuyên môn kết hợp với kỹ thuật phần mềm và tư duy xử lý các vấn đề phát sinh của dự án.
Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư ban đầu rất lớn cho phần mềm, phần cứng và tổ chức nhân sự kết hợp giữa kinh nghiệm chuyên môn cao và linh hoạt trong việc áp dụng các công cụ làm việc mới, hiệu quả hơn.
Trong đó chú trọng khâu đào tạo và chuẩn bị nhân lực trẻ từ các trường đại học địa phương cũng như cơ chế chính sách ưu tiên cho nguồn nhân lực BIM của Việt Nam có cơ hội để tích lũy kinh nghiệm chuyên môn trên công trình thực nhằm đạt được mục tiêu áp dụng BIM rộng rãi mà Quyết định 2500/QĐ-TTg [4] đã đề ra.
Đối với cơ quan quản lý nhà nước, cần tuyên truyền, thúc đẩy các Sở Xây dựng địa phương tích cực tiếp cận công nghệ kỹ thuật số thông qua việc liên kết các đơn vị tư vấn thiết kế địa phương có năng lực BIM, và từng thực hiện các dự án thực tế để đào tạo nguồn nhân lực cho chính cơ quan của mình và tạo môi trường chia sẻ dữ liệu thân thiện giữa các bên tham gia dự án.
Ngoài ra, theo nhận xét từ phía các chủ đầu tư của các dự án thuộc Nhà nước quản lý, hiện nay thì định mức để áp dụng BIM vào các công trình trọng điểm ở Việt Nam là rất thấp và cần có chính sách phù hợp, thuận lợi hơn khi áp dụng BIM ngay từ khi bắt đầu thiết kế.
Trích bài của tapchixaydung.vn