TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG

Điều 12. Cơ cấu tổ chức của Hội

  1. Đại hội.
  2. Ban Chấp hành.
  3. Ban Thường vụ.
  4. Ban Kiểm tra.
  5. Văn phòng, các Ban chuyên môn.
  6. Các tổ chức thuộc và trực thuộc Hội được thành lập theo quy định của pháp luật và Điều lệ Hội.

Điều 13. Đại hội

  1. Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Hội là Đại hội nhiệm kỳ hoặc Đại hội bất thường. Đại hội nhiệm kỳ được tổ chức 05 năm một lần. Đại hội bất thường được triệu tập khi ít nhất có 2/3 (hai phần ba) tổng số ủy viên Ban Chấp hành hoặc có ít nhất 1/2 (một phần hai) tổng số hội viên chính thức của Hội đề nghị.
  2. Đại hội nhiệm kỳ hoặc Đại hội bất thường được tổ chức dưới hình thức Đại hội toàn thể hoặc Đại hội đại biểu. Đại hội toàn thể hoặc Đại hội đại biểu được tổ chức khi có trên 1/2 (một phần hai) số hội viên chính thức hoặc có trên 1/2 (một phần hai) số đại biểu chính thức có mặt.
  3. Nhiệm vụ của Đại hội:

a) Thảo luận và thông qua báo cáo tổng kết nhiệm kỳ; phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ mới của Hội.

b) Thảo luận và thông qua Điều lệ, Điều lệ (sửa đổi, bổ sung); đổi tên, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể Hội (nếu có).

c) Thảo luận, góp ý kiến vào Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành và Báo cáo tài chính của Hội.

d)Bầu Ban Chấp hành và Ban Kiểm tra.

đ) Các nội dung khác (nếu có);

e)Thông qua nghị quyết Đại hội.

  1. Nguyên tắc biểu quyết tại Đại hội:

a)Đại hội có thể biểu quyết bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín. Việc quy định hình thức biểu quyết do Đại hội quyết định.

b) Việc biểu quyết thông qua các quyết định của Đại hội phải được quá 1/2 (một phần hai) đại biểu chính thức có mặt tại Đại hội tán thành.

Điều 14. Ban Chấp hành

  1. Ban Chấp hành Hội do Đại hội bầu trong số các hội viên của Hội. Số lượng, cơ cấu, tiêu chuẩn ủy viên Ban Chấp hành do Đại hội quyết định. Nhiệm kỳ của Ban Chấp hành cùng với nhiệm kỳ Đại hội.
  2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Chấp hành:

a) Tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội, Điều lệ Hội, lãnh đạo mọi hoạt động của Hội giữa hai kỳ Đại hội.

b) Chuẩn bị và quyết định triệu tập Đại hội.

c) Quyết định chương trình, kế hoạch công tác hàng năm của Hội.

d) Quyết định cơ cấu tổ chức bộ máy của Hội. Ban hành quy chế hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ; quy chế quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của Hội; quy chế quản lý, sử dụng con dấu của Hội; quy chế khen thưởng, kỷ luật; các quy định trong nội bộ Hội phù hợp với quy định của Điều lệ Hội và quy định của pháp luật.

đ) Bầu, miễn nhiệm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, ủy viên Ban Thường vụ; bầu bổ sung, miễn nhiệm ủy viên Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra  và bầu Trưởng ban,Phó Trưởng ban Kiểm tra trong trường hợp khuyết Trưởng ban, phó Trưởng ban trong nhiệm kỳ hiện tại. Tổng số ủy viên Ban Chấp hành bầu bổ sung không được quá 1/3 (một phần ba) so với số lượng ủy viên Ban Chấp hành đã được Đại hội quyết định. Tổng số ủy viên Ban Chấp hành Hội (kể cả ủy viên Ban Chấp hành được bổ sung) không vượt quá số lượng ủy viên Ban Chấp hành Hội đã được Đại hội biểu quyết thông qua.

  1. Nguyên tắc hoạt động của Ban Chấp hành:

a) Ban Chấp hành hoạt động theo Quy chế của Ban Chấp hành, tuân thủ quy định của pháp luật và Điều lệ Hội.

b) Ban Chấp hành mỗi năm họp 01 lần, có thể họp bất thường khi có yêu cầu của trên 1/2 (một phần hai) thành viên Ban Thường vụ hoặc trên 1/2 (một phần hai) tổng số thành viên Ban Chấp hành.

c) Các cuộc họp của Ban Chấp hành là hợp lệ khi có trên 1/2 (một phần hai) số ủy viên Ban Chấp hành tham gia dự họp. Ban Chấp hành có thể biểu quyết bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín, việc quy định hình thức biểu quyết do Ban Chấp hành quyết định.

d) Giữa hai kỳ họp, Ban Chấp hành có thể biểu quyết hoặc quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành thông qua việc lấy ý kiến Ban Chấp hành bằng văn bản hoặc thư điện tử;

đ) Các nghị quyết, quyết định của Ban Chấp hành được thông qua khi có trên 1/2 (một phần hai) tổng số thành viên Ban Chấp hành dự họp biểu quyết tán thành.

e) Nếu ủy viên Ban chấp hành không tham gia 03 kỳ họp trong nhiệm kỳ thì, đương nhiên không còn là ủy viên Ban chấp hành Hội.

Điều 15. Ban Thường vụ

  1. Ban Thường vụ Hội do Ban Chấp hành bầu trong số các ủy viên Ban Chấp hành. Ban Thường vụ Hội gồm: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các ủy viên. Số lượng, cơ cấu, tiêu chuẩn thành viên Ban Thường vụ do Ban Chấp hành quyết định. Nhiệm kỳ của Ban Thường vụ cùng với nhiệm kỳ Đại hội.
  2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Thường vụ:

a) Giúp Ban Chấp hành triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội, Điều lệ Hội; tổ chức thực hiện nghị quyết, quyết định của Ban Chấp hành; lãnh đạo hoạt động của Hội giữa hai kỳ họp Ban Chấp hành.

b) Chuẩn bị nội dung và quyết định triệu tập họp Ban Chấp hành.

c) Quyết định thành lập các tổ chức, đơn vị trực thuộc Hội theo nghị quyết của Ban Chấp hành; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ cấu tổ chức; quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm lãnh đạo các tổ chức, đơn vị thuộc Hội theo đúng quy định của pháp luật và Điều lệ Hội.

d) Quyết định kết nạp hội viên, bãi miễn tư cách và cho hội viên ra khỏi hội; khen thưởng, kỷ luật hội viên;

đ) Thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của Điều lệ Hội.

  1. Nguyên tắc hoạt động của Ban Thường vụ:

a) Ban Thường vụ Hội hoạt động theo Quy chế do Ban Chấp hành ban hành, tuân thủ quy định của pháp luật và Điều lệ Hội;

b) Ban Thường vụ Hội mỗi năm họp 02 lần, có thể họp bất thường khi có yêu cầu của Chủ tịch Hội hoặc trên 1/2 (một phần hai) tổng số thành viên Ban Thường vụ Hội đề nghị;

c) Các cuộc họp của Ban Thường vụ Hội là hợp lệ khi có trên 1/2 (một phần hai) thành viên Ban Thường vụ Hội tham gia dự họp. Ban Thường vụ Hội có thể biểu quyết bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín. Việc quy định hình thức biểu quyết do Ban Thường vụ Hội quyết địn;

d) Giữa hai kỳ họp, Ban Thường vụ có thể biểu quyết hoặc quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của Ban Thường vụ thông qua việc lấy ý kiến Ban Thường vụ bằng văn bản hoặc thư điện tử;

đ) Các nghị quyết, quyết định của Ban Thường vụ được thông qua khi có trên 1/2 (một phần hai) tổng số thành viên Ban Thường vụ Hội biểu quyết tán thành.

Điều 16. Văn phòng, các ban chuyên môn

  1. Văn phòng Hội là cơ quan giúp việc cho Ban Chấp hành Hội. Văn phòng Hội có nhiệm vụ và quyền hạn sau:

a) Tổ chức thực hiện các nghị quyết, quyết định của Ban Chấp hành và Ban Thường vụ Hội.

b) Bảo đảm thông tin thường xuyên trong nội bộ Hội và quan hệ công tác của Hội với các cơ quan liên quan.

c) Thực hiện công tác hành chính – lưu trữ của Hội.

d) Quản lý tài sản của Hội.

đ) Thực hiện công tác tài vụ của Hội theo các quy định hiện hành.

  1. Trong trường hợp cụ thể, Hội có thể thành lập các ban chuyên môn, tổ chức thuộc, trực thuộc Hội để phục vụ các công tác của Hội phù hợp với lĩnh vực hoạt động của Hội và quy định của pháp luật.

Điều 17. Ban Kiểm tra Hội

  1. Ban Kiểm tra Hội gồm Trưởng ban, Phó Trưởng ban và một số ủy viên do Đại hội bầu ra. Số lượng, cơ cấu, tiêu chuẩn ủy viên Ban Kiểm tra do Đại hội quyết định. Nhiệm kỳ của Ban Kiểm tra cùng với nhiệm kỳ Đại hội.
  2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Kiểm tra:

a) Kiểm tra, giám sát việc thực hiện Điều lệ Hội, nghị quyết Đại hội; nghị quyết, quyết định của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, các quy chế của Hội trong hoạt động của các tổ chức, đơn vị trực thuộc Hội, hội viên.

b) Xem xét, giải quyết đơn, thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của tổ chức, hội viên và công dân gửi đến Hội.

c) Ban Kiểm tra hoạt động theo quy chế do Ban Chấp hành ban hành , tuân thủ quy định của pháp luật và Điều lệ Hội.

Điều 18. Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội

  1. Chủ tịch Hội là người đại diện của Hội trước pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động của Hội. Chủ tịch Hội do Ban Chấp hành bầu trong số các ủy viên Ban Thường vụ Hội. Tiêu chuẩn Chủ tịch Hội do Ban Chấp hành Hội quy định phù hợp quy định của pháp luật và Điều lệ Hội.
  2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Hội:

a) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy chế hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội.

b) Chịu trách nhiệm toàn diện trước cơ quan có thẩm quyền cho phép thành lập Hội, cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực hoạt động chính của Hội, trước Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội về mọi hoạt động của Hội; chỉ đạo, điều hành mọi hoạt động của Hội theo quy định của pháp luật, Điều lệ Hội, nghị quyết, quyết định của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội.

c) Chủ trì các cuộc họp của Ban Chấp hành; Chỉ đạo chuẩn bị, triệu tập và chủ trì các cuộc họp của Ban Thường vụ.

d) Thay mặt Ban Chấp hành, Ban Thường vụ ký các văn bản của Hội.

đ) Khi Chủ tịch Hội vắng mặt, việc chỉ đạo, điều hành giải quyết công việc của Hội được ủy quyền bằng văn bản cho một Phó Chủ tịch Hội.

  1. Phó Chủ tịch Hội do Ban Chấp hành bầu trong số các ủy viên Ban Thường vụ Hội. Tiêu chuẩn Phó Chủ tịch Hội do Ban Chấp hành Hội quy định phù hợp với quy định của pháp luật và Điều lệ Hội.

Phó Chủ tịch giúp Chủ tịch Hội chỉ đạo, điều hành công tác của Hội theo sự phân công của Chủ tịch Hội; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hội và trước pháp luật về lĩnh vực công việc được Chủ tịch Hội phân công hoặc ủy quyền. Phó Chủ tịch Hội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy chế hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội phù hợp với Điều lệ Hội và quy định của pháp luật.

Điều 19. Tổng thư ký, Phó Tổng thư ký Hội

  1. Tổng thư ký Hội điều hành hoạt động của Văn phòng Hội, được quyền giải quyết các công việc do Chủ tịch Hội và Ban Thường vụ phân công, giữa các kỳ họp của Ban Thường vụ.
  2. Tổng thư ký do Chủ tịch Hội lựa chọn, quyết định trên cơ sở thông qua ý kiến của Ban Thường vụ Hội. Tiêu chuẩn Tổng thư ký do Chủ tịch Hội quy định.
  3. Tổng thư ký chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hội và trước pháp luật về lĩnh vực công việc được Chủ tịch Hội phân công.
  4. Tổng thư ký Hội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy chế hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội phù hợp với Điều lệ Hội và quy định của pháp luật.

Trích dẫn Điều lệ (sửa đổi) Hội Tin học XDVN được phê duyệt theo quyết định số 1267/QĐ-BNV ngày 17 tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ