Ngày 18/5 tại trụ sở cơ quan Bộ Xây dựng đã diễn ra Hội nghị triển khai thực hiện Đề án “Hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng” với sự tham dự của đại diện các Bộ, ngành Trung ương; UBND các tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương; các viện nghiên cứu; hiệp hội nghề nghiệp; các trường đại học; doanh nghiệp xây lắp, tư vấn; đại diện các tổ chức quốc tế: WB, JICA và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh đến dự và chủ trì Hội nghị.
hát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh cho biết, triển khai Nghị quyết Trung ương 05/NQ-TW ngày 01/11/2016 của Ban Chấp hành TW Đảng và Nghị quyết số 27/2017/NQ-CP ngày 21/2/2017 của Chính phủ, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 02 Đề án “Hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật ngành Xây dựng” và Đề án “Hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng”. Tại Quyết định số 2038/QĐ-TTg ngày 18/12/2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng”.
Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh cho biết, ngành Xây dựng là một ngành kinh tế kỹ thuật lớn của nền kinh tế, tham gia xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vốn đầu tư cho xây dựng chiếm khoảng 70% tổng vốn đầu tư phát triển của toàn xã hội và có tầm ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế xã hội. Do đó, việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng và chi phí dịch vụ hạ tầng kỹ thuật đô thị có vai trò quan trọng, là nhân tố cơ bản quyết định đến hiệu quả đầu tư, góp phần chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng, đặc biệt là đối với vốn ngân sách nhà nước (NSNN).
Tại Hội nghị, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo Đề án, Cục trưởng Cục Kinh tế Xây dựng (Bộ Xây dựng) Phạm Văn Khánh đã trình bày tóm tắt Đề án “Hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng”.
Theo đó, để phù hợp với sự phát triển của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới, cũng như sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, tăng năng suất lao động và tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc đổi mới cơ chế quản lý chi phí cũng như việc hoàn thiện hệ thống định mức, giá xây dựng và dịch vụ hạ tầng kỹ thuật đô thị trong giai đoạn hiện nay là rất cấp thiết. Vì vậy, mục tiêu và nhiệm vụ chính của Đề án “Hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng” là: Xây dựng hệ thống định mức, giá xây dựng và dịch vụ hạ tầng kỹ thuật đô thị phải theo kịp sự thay đổi, phát triển của khoa học, công nghệ xây dựng và mang tính kế thừa; nâng cao năng lực, trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân trong việc quản lý và đổi mới công tác xây dựng định mức, giá xây dựng; hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về định mức, giá xây dựng để thực hiện quản lý tập trung, đồng bộ, công khai, tạo thị trường xây dựng minh bạch, cạnh tranh…
Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự cũng được nghe phần trình bày của chuyên gia JICA về kinh nghiệm của Nhật Bản và đề xuất với Việt Nam về quản lý chi phí đầu tư xây dựng các dự án công.
Trong phần thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã đóng góp nhiều ý kiến tập trung vào một số nội dung chính, như: Về kế hoạch triển khai Đề án từ năm 2018 – 2021 và những năm tiếp theo cũng như các phương thức tổ chức thực hiện.
Hầu hết các ý kiến thống nhất với giải pháp trong Đề án và mong muốn Bộ Xây dựng sớm ban hành hướng dẫn về công tác rà soát cũng như cần có quy định cụ thể về nguồn vốn và giải pháp về chi phí để thực hiện Đề án. Ngoài ra cần có giải pháp để phối hợp giữa Bộ Xây dựng với các Bộ chuyên ngành, các địa phương và đặc biệt là đối với địa phương thì cần có sự phối hợp giữa các sở chuyên ngành…
Phát biểu kết luận Hội nghị, thay mặt Thường trực Ban chỉ đạo triển khai Đề án, ông Phạm Văn Khánh tiếp thu toàn bộ các ý kiến tham luận tại Hội nghị và sẽ tổng hợp báo cáo Ban chỉ đạo, đưa vào nội dung dự thảo các sản phẩm của Đề án, đồng thời bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác của các Bộ, ngành, các địa phương, các doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị liên quan, cũng như sự hỗ trợ giúp đỡ của cơ quan hợp tác Nhật Bản JICA nhằm nâng cao hiệu quả, đảm bảo sự thành công của Đề án.
Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Xây dựng