Sáng ngày 29/8, Ủy ban Pháp luật phối hợp Quốc hội cùng Viện nghiên cứu lập pháp tổ chức Tọa đàm “Cơ sở khoa học và thực tiễn của việc quy định các tiêu chí phân loại đô thị, tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và việc phân loại đơn vị hành chính”.
Tham dự Tọa đàm có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Hoàng Thanh Tùng. Về phía cơ quan soạn thảo có Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng.
Tọa đàm cũng có sự tham gia của chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành như TS Đặng Việt Dũng – Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cùng các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Hiệp hội khoa học hành chính Việt Nam, các viện nghiên cứu cùng các nhà khoa học đến từ các trường đại học luật, Học viện Hành chính Quốc gia cùng lãnh đạo một số tỉnh thành.
Phát biểu khai mạc buổi Tọa đàm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng nêu rõ, tại thời điểm này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang tiến hành giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021”. Vì vậy, tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội đã yêu cầu các Bộ chủ trì soạn thảo phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan nghiên cứu, rà soát, bổ sung, làm rõ các cội dung dự kiến sửa đổi 2 dự thảo Nghị quyết và cơ sở quy định tiêu chuẩn, tiêu chí đối với phân loại đô thị và đơn vị hành chính, bảo đảm đầy đủ các yêu cầu mới trong các Nghị quyết Trung ương cũng như kết quả của hoạt động giám sát chuyên đề của UBTVQH để thực hiện hồ sơ 2 dự thảo Nghị quyết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022.
Nhằm góp ý hoàn thiện 2 dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến vào một số nội dung gồm: Cơ sở lý luận khoa học và cơ sở thực tiễn để xác định các tiêu chí trong phân loại đô thị; căn cứ để phân loại đô thị theo vùng, miền và yếu tố đặc thù; căn cứ để sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn, trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đối với khu vực dự kiến thành lập phường, thành lập quận; cơ sở để xác định đô thị, đơn vị hành chính đô thị và đơn vị hành chính nông thôn; thực tiễn phân loại đô thị ở nước ta thời gian qua và kinh nghiệm quốc tế về phân loại đô thị.
Cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn phân định các đơn vị hành chính, xác định quy mô phù hợp của đơn vị hành chính; cơ sở để xác định tiêu chuẩn của đơn vị hành chính; căn cứ xác định đơn vị hành chính có yếu tố đặc thù; căn cứ xác định tiêu chuẩn diện tích tự nhiên, quy mô dân số đối với đơn vị hành chính có yếu tố đặc thù; kinh nghiệm quốc tế về tổ chức, phân chia đơn vị hành chính lãnh thổ.
Tại Tọa đàm, báo cáo tóm tắt những nội dung lớn được sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210. Cụ thể, sửa đổi, bổ sung mục đích và nguyên tắc phân loại đô thị (Điều 2); sửa đổi, bổ sung quy định về phân loại đô thị áp dụng vùng miền và đặc thù (Điều 9); sửa đổi, bổ sung quy định về hồ sơ, thủ tục lập, thẩm định, công nhận loại đô thị và rà soát, đánh giá phân loại đô thị (Điều 12 và Điều 13); sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm quản lý, kiểm tra công tác phân loại đô thị và sau khi được công nhận loại đô thị (Điều 13a); sửa đổi, bổ sung Phụ lục các tiêu chuẩn của các tiêu chí phân loại đô thị (Phụ lục I, II, III).
Báo cáo tóm tắt những nội dung lớn được sửa đổi, bổ sung trong Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Nghị quyết số 1211) về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, dự thảo Nghị quyết bổ sung quy định về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính trong trường hợp đặc thù; sửa đổi, bổ sung khoản 3 các điều 1, 2, 4 và 7 Nghị quyết số 1211 về tiêu chuẩn số lượng đơn vị hành chính trực thuộc của 4 loại đơn vị hành chính (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, huyện, quận) theo hướng giảm tiêu chuẩn về số lượng đơn vị hành chính trực thuộc của tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương từ 11 xuống 9 đơn vị; huyện từ 16 xuống 13 đơn vị; quận từ 12 xuống 10 đơn vị…; sửa đổi, bổ sung Điều 11 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính ở hải đảo theo hướng tách thành 2 khoản quy định về tiêu chuẩn đơn vị hành chính nông thôn ở hải đoả và tiêu chuẩn đơn vị hành chính đô thị ở hải đảo để bảo đảm rõ ràng, dễ áp dụng; bổ sung quy định về cách tính điểm tăng thêm của các tiêu chuẩn phân loại đơn vị hành chính theo phương pháp nội suy để thống nhất với cách tính điểm của các tiêu chuẩn khi phân loại đô thị…
Đóng góp ý kiến về phân loại đô thị theo vùng miền, TS Đặng Việt Dũng liên quan đến tiêu chuẩn phân loại đô thị theo vùng miền việc điều chỉnh Nghị quyết 1210 và 1211 là phù hợp. Lý do là bởi 2 yếu tố gồm quy mô dân số và mật độ dân số nói chung. Trong nhiều năm vừa qua phân loại đô thị cho đến hiện nay đều không đạt. Qua khảo sáy từ tháng 12/2020 đến nay chúng ta có 862 đô thị nếu nhân với quy mô theo chỉ tiêu quy định trong Nghị quyết 1210 thì dân số đô thị có điều chỉnh giảm phải là 37 triệu người. Trong khi kết quả điều tra dân số năm 2019 cho biết tổng dân số thành thị chỉ vào khoảng 33,1 triệu người, cho thấy quy định về quy mô dân số của một số loại đô thị trong Nghị quyết 1210 là khá cao, phần lớn các đô thị đều không đạt tiêu chí này.
Đề nghị việc điều chỉnh phân loại đô thị theo vùng miền, TS Đặng Việt Dũng cho biết, qua khảo sát với đô thị loại V ở các vùng kinh tế có sự khác biệt về quy mô dân số, mật độ dân số. Khảo sát quy mô dân số và mật độ dân số của 552 thị trấn trên toàn quốc được công nhận đến tháng 4/2021 cho thấy quy mô dân số trung bình là 22.405 người ở Đông Nam Bộ, thấp nhất 8.35 người khu vực Đông Bắc Bộ. Mật độ trung bình lớn nhất của đô thị loại V là 2.705 người/km2 ở Đồng Nam Bộ trong khi khu vực thấp nhất là Tây Nguyên chỉ 562 người/km2. Điều đó cho thấy đô thị cùng loại nhưng quy mô dân số, mật độ dân số chênh nhau rất nhiều, vì thế dự thảo nghị quyết cần phải có sự điều chỉnh theo đặc điểm vùng miền, căn cứ vào mức độ phát triển kinh tế xã hội, đặc điểm phân bố dân cư, lao động.
Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cũng đề nghị, trong dự thảo nghị quyết đưa ra đề xuất mức giảm 50%, 60%, 70% và 80% áp dụng cho các vùng miền cần lưu ý cân nhắc mức giảm theo từng loại đô thị.
Thực tế, qua khảo sát 20 đô thị loại I trực thuộc tỉnh, người đứng đầu Tổng hội Xây dựng nêu một thực thế, hầu hết các đô thị đều là tỉnh lỵ, nơi đặt trung tâm hành chính nhưng còn khảng 40 tỉnh, tỉnh lỵ chưa phải là đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Mặt khác, quy mô dân số trung bình thấp hơn tiêu chuẩn nhưng mật độ dân số lại cao hơn tiêu chuẩn.
Tương tự, khảo sát đô thị loại V cũng cho thấy quy mô dân số và mật độ dân số đô thị loại V đều cao hơn mức thấp nhất theo tiêu chuẩn chỉ quy định.
“Từ cơ sở thực tiễn đó ngoài cân nhắc theo vùng miền còn cần phân theo loại đô thị. Nếu chúng ta áp dụng giảm cả sẽ vô hình chung đã làm cho chất lượng đô thị giảm đi, theo chúng tôi nên điều chỉnh theo loại đô thị” – TS Đặng Việt Dũng nói.
Trong quy mô dân số và mật độ dân số là hàm toán học liên quan đến diện tích đất đô thị, vì thế TS Đặng Việt Dũng đề nghị với những đô thị có diện tích trên 250 Km2 nên điều chỉnh cả hai chỉ tiêu quy mô và mật độ dân số, với đô thị nhỏ hơn 250km chỉ nên điều chỉnh 1 chỉ tiêu để có sự linh hoạt.
Cũng theo TS Đặng Việt Dũng, Nghị quyết 1210 và Nghị quyết 1211 một bên quy định tiêu chí, một bên quy định tiêu chuẩn. Trong 1210 lại quy định cả tiêu chuẩn nên rất dễ bị lẫn lộn, khó hình dung nên cần điều chỉnh lại cách gọi cho phù hợp. Liên quan đến tiêu chuẩn, chỉ tiêu, quy mô của đô thị loại I đang có sự khác biệt, cụ thể ở Nghị quyết 1210 quy định là 1.000 người, trong khi ở Nghị quyết 1211 là là 1.500 người. Đây là những cái cần phải xem xét điều chỉnh.
Một nội dung khác trong Nghị quyết 1211 không quy định mật độ dân số nhưng lại quy định diện tích tối thiểu dẫn đến nếu quy đổi mật độ dân số của 1211 chênh với mật độ dân số quy định trong 1210.
“Trong 5 tiêu chuẩn quy định trong 1210 và 1211 thì tiêu chuẩn quan trọng nhất là vị trí, tầm quan trọng của đô thị đây là điều rất khó mang tính định tính, vì thế khi xác định đâu đó là trung tâm văn hóa chính trị, giao thông của vùng, của địa phương nên cụ thể hóa bằng tiêu chí cụ thể. Đơn giản như trung tâm văn hóa chúng ta ghi là có công trình văn hóa nhưng công trình văn hóa cỡ gì cho rõ nếu không rất khó, cụ thể hóa để đánh giá. Hay như đầu mối giao thông, ở cấp huyện cũng ghi có cảng, sân bay là có được” – TS Đặng Việt Dũng nói.
Trình bày về cơ sở lý luận và thực tiễn của việc xác định các tiêu chí trong phân loại đô thị, TS. Trương Văn Quảng, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đề nghị ngoài cơ sở pháp lý, cần nghiên cứu, làm rõ thêm cơ sở khoa học: lý luận về hoạch định không gian lãnh thổ, tổ chức các trung tâm động lực phát triển; lý luận về quản lý phát triển đô thị; lý luận về chất lượng về chất lượng sống đô thị; các yếu tổ tác động như xu hướng phát triển đô thị, điều kiện tự nhiên, văn hóa lối sống; trình độ quản lý phát triển; khoa học công nghệ…).
TS.Trương Văn Quảng cũng đề nghị cần làm rõ, xem xét các tiêu chuẩn về đặc điểm vùng miền, yếu tố đặc thù về mức độ phát triển kinh tế – xã hội, quy mô dân số, đặc điểm phân bố dân cư, lao động… Ví dụ, với các vùng như Vùng trung du và miền núi phía bắc… phải được phân nhỏ hơn thành các tiểu vùng, vì đặc điểm của vùng trung du có nhiều điểm khác với vùng miền núi. Đồng thời làm rõ, tiêu chí, tiêu chuẩn nào mang tính quyết định trong việc xác định tính chất và bảo đảm chất lượng đô thị.
Góp ý tại Tọa đàm, TS.Nguyễn Thị Kim Sơn, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội các đơn thị Việt Nam trình bày về căn cứ xác định đô thị, đơn vị hành chính ở đô thị và đơn vị hành chính ở nông thôn. TS. Nguyễn Thị Kim Sơn nhấn mạnh, việc xác định tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cần tính đến tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên. Đồng thời, tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên cũng cần tính đến tiêu chí địa lý theo vùng, miền, tính chất địa hình cũng như khả năng phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội và tốc độ thị hóa của địa phương. Ngoài tiêu chí địa lý, tiêu chí dân cư cũng là một tiêu chí quan trọng trong cấu thành đơn vị hành chính.