Với mục tiêu định hướng, phác thảo được khung hoàn chỉnh xây dựng phát triển đô thị thông minh, Tổng Hội Xây dựng Việt Nam vừa tổ chức phiên toạ đàm với chủ đề “Smart city – chuyển đổi số”. Diễn ra với hình thức trực tuyến, toạ đàm đã thu hút sự tham gia của đông đảo các chuyên gia cũng như đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, đại diện của nhiều địa phương…
Đây là phiên toạ đàm mở đầu cho chuỗi các toạ đàm với các nội dung liên quan về xây dựng đô thị thông minh ở Việt Nam, như chia sẻ của TS. Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam: “Tuy ở Việt Nam đã làm đô thị thông minh rồi nhưng đâu đó vẫn còn khúc mắc, thông qua các buổi toạ đàm lần lượt để thảo luận từng vấn đề một để chỉ ra từng nội dung còn khiếm khuyết”.
Vẫn câu chuyện “cơ chế chính sách”
Chia sẻ tại toạ đàm, ông Lê Hoàng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), cho biết: “Theo số liệu chúng tôi theo dõi thì có khoảng 870 đô thị trên toàn quốc. Theo quy định thì các độ thị này chia thành các loại từ đô thị trung ương tới các đô thị nhỏ là các thị trấn, thị xã. Mỗi đô thị có quy mô khác nhau, tính chất phát triển khác nhau. Đô thị thông minh (ĐTTM) ở Việt Nam phát triển như thế nào phải trên cơ sở đặc thù và định hướng phá triển, phát huy tiềm năng giai đoạn tới của từng đô thị”.
Cũng theo ông Trung, ĐTTM ở Việt Nam hiện tại đang phát triển theo hướng rất nhiều nhà tư vấn, rất nhiều thông tin công nghệ, rất nhiều đơn vị đến làm việc với các địa phương và đề xuất cùng làm việc với các đô thị đó xây dựng đề án. Và thực trạng là mỗi đề án theo một hướng.
Ví dụ như Cần Thơ xây dựng đề án tổng thể bao gồm tất cả các ngành các lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên lúc triển khai không biết bắt đầu từ nội dung nào là nội dung ưu tiên và nguồn lực thực hiện đề án ở đâu. Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị nhận định, nhìn chung các địa phương có quan tâm ĐTTM nhưng triển khai thì còn lúng túng.
Hiện nay Uỷ ban quốc gia về chuyển đổi số cùng Bộ Thông tin truyền thông, Bộ Xây dựng cùng các bộ ngành TW đang tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia. Nhưng quy định pháp luật liên quan đến trách nhiệm cung cấp số liệu, chia sẻ thông tin vẫn chưa được cụ thể. Vẫn theo ông Trung, Luật Thống kê cũng có quy định rõ ràng về dữ liệu thống kê. Tuy nhiên các chính quyền đô thị vẫn còn đang lúng túng trong nội dung này.
Vinhomes Smart City là một trong những đô thị thông minh đầu tiên tại Việt Nam. Ảnh minh hoạ
Trong tham luận được chuẩn bị công phu, PGS-TS Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng, đã đề cập đến nhiều vấn đề đáng chú ý về quy hoạch đô thị nói chung cũng như việc phát triển ĐTTM nói riêng. Theo PGS-TS Lưu Đức Hải, thì 8 lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số là y tế, giáo dục, tài chính – ngân hàng, nông nghiệp, giao thông ận tải và logistics, năng lượng, tài nguyên và môi trường, sản xuất công nghiệp. Điều đáng nói là lĩnh vực xây dựng và phát triển đô thị đã không được nhắc tới trong ưu tiên này. Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng cho rằng tầm quan trọng của ĐTTM đã được xác định rất rõ khi đây là một trong 10 nhiệm vụ trong Quyết định 950/QĐ-TTg năm 2018 của Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 định hướng đến năm 2030; đặc biệt là tại Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị Về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa ban hành tháng 2.2022.
Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị đề xuất cần tập trung xây dựng nền tảng pháp lý và cơ sở đánh giá cho phát triển đô thị thông minh. Đồng quan điểm, thành viên Sở kiến trúc Hà Nội tham dự toạ đàm, cho rằng giải pháp quản lý đầu tiên vẫn là cần cơ chế chính sách để thu hút các nhà đầu tư cho việc phát triển hạ tầng công nghệ thông minh này.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Trần Thu Hằng, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch – Kiến trúc (Bộ Xây dựng), lại khẳng định thể chế, chính sách có rồi nhưng trở ngại nguồn lực và sự quan tâm của lãnh đạo chính quyền còn hạn chế. “Bộ Xây dựng có hẳn cổng thông tin quốc gia về quy hoạch. Hiện nay có 1616 đồ án công bố công khai trên cổng thông tin”, bà Hằng cho biết, đồng thời chia sẻ thêm dưới góc độ là cơ quan tham mưu về luật pháp, rằng “năm nay chúng tôi sẽ xây dựng luật quy hoạch đô thị nông thôn trong đó vấn đề công nghệ số và thể chế liên quan đến phát triển ĐTTM sẽ rất quan trọng trong luật đất đai”.
Trở ngại ngay từ cơ sở dữ liệu
Hạn chế trong công tác chuyển đổi số lĩnh vực quy hoạch nói chung và ĐTTM nói riêng được các chuyên gia tham dự toạ đàm nhắc đến nhiều nhất là về nền tảng dữ liệu. Ông Lê Hoàng Trung cho rằng, dữ liệu đô thị của chúng ta liên quan đến nhiều lĩnh vực nhưng còn rời rạc, không có sự liên thông. Vì vậy, khi cần sự liên thông, chia sẻ các thông tin với nhau thì mỗi đơn vị đi theo một hướng mà việc này ảnh hưởng đến quá trình chuyển đổi số.
Điểm sáng trong bức tranh tổng thể về đô thị thông minh ở Việt Nam là các địa phương đã có quan tâm tới việc xây dựng và phát triển đô thị thông minh. Tuy nhiên việc xây dựng hệ thống dữ liệu đang được tiếp tục triển khai nhưng còn hạn chế. Nguyên nhân là các địa phương còn lúng túng trong việc phân công cơ quan đầu mối chủ trì. Nhận thức và cách làm đô thị thông minh cũng khác nhau. Có địa phương chưa làm gì đã xây dựng ngay một trung tâm điều hành rất to và hoành tráng.
Ngay như Hà Nội, bao nhiêu năm vẫn loay hoay nền tảng dữ liệu. “Khi thành phố này triển khai một đô thị Hoà Lạc mà tới tận 6 tháng sau mới hoàn thiện hệ thống bản đồ gửi Bộ Xây dựng thẩm định và đóng dấu thì tôi hiểu là công nghệ số chưa đến với Hà Nội”, bà Hằng nêu dẫn chứng.
Xác định việc xây dựng thành phố thông minh không chỉ là một xu hướng đô thị mà đó là một nhu cầu cấp thiết vì vậy TP.HCM đạ và đang tạo ra những tiền đề để xây dựng đô thị thông minh. Ảnh: Phạm Đức Minh
Làm rõ vấn đề này, đại diện Sở Kiến trúc Hà Nội tham gia toạ đàm, cho biết ứng dụng công nghệ thông tin ở Hà Nội còn nhiều hạn chế. Bởi công tác này chủ yếu kiểm soát số lượng về hành chính chứ chưa liên thông các cơ sở quận huyện để quản lý số liệu, dữ liệu về quản lý quy hoạch kiến trúc.
“Ở Hà Nội phân cấp theo đơn vị tổ chức lập và quản lý quy hoạch. Dữ liệu quy hoạch của các quận, huyện phân cấp cho quận huyện thì quận huyện lại lưu giữ. Hiện nay Hà Nội đang khó khăn trong việc liên thông dữ liệu đó. Đó cũng là dữ liệu đầu vào cho ứng dụng công nghệ thông minh trong quản lý quy hoạch xây dựng”, vị này chia sẻ.
Một thực tế khác đó là Hà Nội chưa xây dựng được hệ thống quan trắc về sự thay đổi phát triển biến động của khu vực đô thị và nông thôn. Do đó cũng chưa cung cấp được dữ liệu tốt nhất mỗi khi lập quy hoạch điều chỉnh để có sự nhận diện sự biến động qua các thời kỳ nơi đấy để đưa ra dự báo về sự phá triển của các giai đoạn tiếp theo. Thành phố cũng chưa có một phần mềm chính thống cung cấp cho người dân tra cứu thông tin về mặt quy hoạch.
Thực ra không chỉ Hà Nội, nhiều địa phương cũng cùng chung tình trạng này. Từ góc độ là người tham gia trực tiếp, bà Hằng cho rằng: “Cái quan trọng nhất là chưa có hệ thống chỉ tiêu quốc gia, chỉ số cập nhật trên toàn địa phương và trên toàn bộ đô thị của Việt Nam. Mỗi đô thị chúng ta đang theo một chỉ số khác nhau vì vậy việc thống nhất về chỉ số là không có, cũng không cập nhật trên nền tảng số của quốc gia để thống nhất”.
Vụ trưởng Vụ Quy hoạch – Kiến trúc cũng chia sẻ thêm, rằng “cần đặt mục tiêu là sử dụng đô thị thông minh, quy hoạch quản lý thông minh ở mức độ phù hợp với nguồn lực của đô thị quốc gia đó. Nghĩa là chúng ta không nên đặt quá lớn các vấn đề một cách lý thuyết mà thực sự đi vào một vấn đề cụ thể như là một dự án cụ thể, một thí điểm cụ thể để chúng ta thấy được kết qua rồi nhân rộng. Như Tây Ban Nha, họ chỉ đặt vấn đề thu gom rác thông minh và vận hành đô thị thông minh trên một khu vực đô thị”.
Chỉ ra những “khiếm khuyết” trong vấn đề chuyển đổi số trong quy hoạch và phát triển ĐTTM, tuy nhiên theo các chuyên gia không phải là không có những thành công bước đầu đáng ghi nhận. Một số điển hình thực hiện tốt hiện nay như TP.HCM đã làm hệ thống thông tin rất tốt về quy hoạch khi thậm chí bấm vào một ô đất có thể tra ra được chỉ tiêu. TP.HCM cũng đã ứng dụng công nghệ số để công bố công khai đồ án quy hoạch. Hay, Bình Dương nổi bật trong chuyển đổi số qua việc đã quy hoạch và quản lý đô thị trên nền tảng GIS. Tỉnh này đã thí điểm ở Thủ Dầu Một thành công và đang triển khai trên toàn tỉnh. Hiện Bình Dương đã trải qua bước số hoá hết hạ tầng đô thị. Có trung tâm dữ liệu liên thông của tỉnh và có các quy chế về cách tiếp cận dữ liệu cũng như là quản lý trên đó. Hiện tỉnh này đang tiến thêm bước nữa là triển khai giải quyết thủ tục hành chính trên nền tảng dữ liệu số hoá…
Bà Hằng nhận định việc xây dựng nền tảng dữ liệu thì không thể ngay mà lâu dài và tốn kém. “Trước mắt thì chúng ta phải có sự liên thông với các hệ thống dữ liệu quốc gia. Chúng tôi hết sức nỗ lực nhưng đến nay con số này hầu như là chưa có gì. Trong khi hiện nay trong công tác lập quy hoạch, chúng ta vẫn là khảo sát bản đồ, đo đạc, hệ thống dữ liệu cập nhật bằng tay, chưa mang tính ứng dụng công nghệ thông minh. Và một điều nữa rất quan trọng đó là vận hành nó. Chúng ta không thể áp một cái bản đồ mà không có cập nhật bởi như vậy là bản đồ “chết”. Cho nên thể chế cho việc vận hành và khai thác sử dụng nó là phí và thu phí. Cuối cùng chúng ta có thêm kinh nghiệm quốc tế. Các quốc gia cũng đặt mục tiêu là sử dụng đô thị thông minh hay là quy hoạch quản lý thông minh ở mức độ phù hợp với nguồn lực của đô thị quốc gia đó”.
Ghi nhận và đánh giá cao những tham luận, ý kiến của các chuyên gia đóng góp cho toạ đàm, TS. Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, đánh giá toạ đàm đã nghe chia sẻ những việc đã làm được, trao đổi thêm những vướng mắc trong triển khai thực hiện cái quy định của nhà nước cũng như đề xuất những giải pháp; nghe kinh nghiệm một số đơn vị, cơ sở đã triển khai thí điểm từng phần những nội dung cơ bản, nghe các bài tổng hợp từ các chuyên gia và ý kiến của các nhà quản lý ở tầm vĩ mô trong việc triển khai xây dựng đô thị thông minh.
“Chúng ta sẽ tiếp tục gặp nhau trong các buổi toạ đàm tiếp theo đi sâu hơn trong việc ứng dụng kỹ thuật, trong việc xây dựng tiêu chuẩn và giải quyết một số nội dung chính về điều chỉnh quy định của pháp luật cũng như việc ứng dụng thành công của các đơn vị đã tổ chức thực hiện để xây dựng đô thị trong thời gian vừa qua…
ĐTTM cũng là sản phẩm cuối cùng, nó cũng giống như sản phẩm xây dựng đô thị. Trước đây xây dựng đô thị đã có thông minh rồi, đảm bảo tiện ích, thuận lợi cho người dân và hiệu quả sử dụng đô thị. Bây chúng ta giờ tổ chức áp dụng những thành tựu của khoa học công nghệ vào trong đô thị để làm cho nó thông minh hơn, tạo ra tiện ích và hiệu quả hơn cho đời sống người dân đô thị. Làm sao để tạo ra tiện ích lớn nhất thì chúng ta từng bước xây dựng từng cấu phần của ĐTTM. Khi kết hợp các thành phần ấy để nó thành ĐTTM. Và để làm được thì phải bắt đầu từ giai đoạn xây dựng quy hoạch, thu thập số liệu mà trước hơn nữa là xây dựng thể chế